Gia Dinh Gieo Giong

ĐỂ CÓ TÌNH YÊU TRONG CHÚA CAO ĐẸP



CHƯƠNG VI
ĐỂ CÓ TÌNH YÊU TRONG CHÚA CAO ĐẸP
Sáng thế ký 2:19-25
__________

Vấn đề được đặt ra là con đường Tình yêu bắt đầu như thế nào? Khu vườn Tình Yêu sẽ khởi sự xây dựng từ đâu? Ngay chương đầu của Kinh thánh trong sách Sáng thế ký 2:18-25, đã hướng dẫn chúng ta là những người tin Chúa Jêsus cách nào để có một Tình yêu trong Chúa cao đẹp.
I/. YÊU LÀ GÌ?
“Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán rằng:
Loài người ở một mình thì không tốt,
Ta sẽ làm nên một kẻ giúp đỡ giống như nó”
(Sáng thế ký 2:18)
Nếu mở Từ Điển Việt nam, chúng ta sẽ thấy định nghĩa từ ngữ Yêu theo nhiều ý:
  • Yêu là quyến luyến nhớ thương nhiều.
  • Yêu là đòi hỏi, như yêu cầu.
  • Yêu là một loại ma quỉ, như yêu tinh.
Qua những định nghĩa trên, chúng ta nhận ra tín hiệu của Tình Yêu phát khởi từ sự quyến luyến, nhớ thương nhiều một đối tượng; từ sự quyến luyến nhớ thương đó, có sự thôi thúc đòi hỏi được đối tượng đáp lại; nhưng Tình yêu là một sức mạnh vô hình, có thể phá vỡ những cái đẹp hoặc làm rối loạn đời sống, nó trở thành một thứ yêu mà quỉ quái. Đức Chúa Trời đã thấy con người đầu tiên là A-đam có một sự trống vắng, sự trống vắng đó có thể sinh ra những điều không tốt, dù chung quanh A-đam có đủ mọi nhu cần, nhưng không có một nhu cần nào đáp ứng giống như mình.
Tình yêu đẹp khi được sử dụng đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng và đúng tư cách một con người. Ngược lại, Tình yêu sẽ thành một mối nguy hiểm gây thất vọng, buồn chán, kiệt sức, hoặc đem đến những hành động từ bỏ niềm tin nơi Chúa.
Nhà thơ Nguyễn Bính đã viết về sức mạnh của Tình Yêu như sau:
Chao ôi, yêu có Ông Trời cứu
Yêu có Ông Trời trói được chân
Hoặc như trong bài thơ Cô Lái Đò của ông:
Bỏ thuyền, bỏ bến, bỏ dòng song
Cô lái đò kia đi lấy chồng…
Có người hỏi tôi: Tình yêu có thể xô ngã một lực sĩ như Sam-sôn, nhưng cũng có thể tăng thêm sức mạnh cho con người. Đúng như vậy, trong Kinh thánh thư I Giăng 4:18 khẳng định: Quyết chẳng có điều sợ hãi trong sự yêu thương, nhưng sự yêu thương trọn vẹn thì cất bỏ sự sợ . Như vậy, Tình yêu có sức mạnh khiến con người không còn sợ gì cả, giúp con người vượt qua khó khăn như ca dao Việt nam diễn tả:
Yêu em, tam tứ núi cũng trèo
Thất bát sông cũng  lội, cửu thập đèo cũng qua.
Nhưng Kinh thánh dạy rõ đó phải là Tình yêu Trọn Vẹn, cao đẹp. Ngược lại, sức mạnh đó cũng sẽ giết con người khi họ giả dối trong Tình Yêu, như trường hợp của Sam-sôn trong sách Các Quan xét.
Các bạn hãy nhìn vào gương mặt những bạn trẻ chung quanh sẽ biết Tình yêu là gì ngay. Nhìn những người có gương mặt sáng, da hồng, miệng tươi cười,… đó là những người đang yêu và được yêu; Còn những người có gương mặt âu sầu, đột nhiên bỏ xuôi việc làm hoặc việc học hành, … đó là những người đang bị yêu nhập, thất tình, sắp phá hỏng mọi sự, kể cả phá hỏng cuộc đời của chính họ.
II/. KHI NÀO ĐƯỢC YÊU?
“Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên các loài thú đồng, các loài chim trời, rồi dẫn đến cùng A-đam đặng thử xem người đặt tên chúng nó làm sao, hầu cho tên nào A-đam đặt cho mỗi vật sống, đều thành tên riêng cho nó. A-đam đặt tên các loài súc vật, các loài chim trời cùng các loài thú đồng; nhưng về phần A-đam, thì chẳng tìm được một ai giúp đỡ giống như mình hết”.
(Sáng thế ký 2:19-20)
Có người hỏi: Tôi mới mười chin tuổi, đến với Tình yêu được không? Tôi trả lời: Bạn dùng từ ngữ MỚI mười chin tuổi, cho thấy bạn còn mới lắm, đừng vội. Sự vội vàng sẽ phá hỏng điều quí báu mà bạn chưa cần.
Thật ra từ khi còn bé thì đã biết yêu rồi, yêu Ba, yêu Má, yêu Chị, yêu Anh, yêu hết cả nhà… Hoặc như ca dao Việt nam:
Sao vua chin cái nằm kề,
Yêu em từ thuở mẹ còn bồng trên tay
Hoặc:
Sao vua chin cái nằm chồng,
         Yêu em từ thuở mẹ mới về với ba
Hoặc như trong bài thơ Cổ Tích:
Khi anh vừa sinh ra,
Oe oe dăm tiếng khóc,
Lúc ấy em ở đâu?
Làm sao mà em biết.
Hai nhà ở hai nơi
Cách nhau nghìn cây số,
Mẹ vẫn biết anh buồn
Nên sinh em từ đấy.
Đó chỉ cách nói cường điệu thôi, còn bé tí biết gì mà yêu, nếu yêu thì đó chỉ là một quán tính. Tình yêu đó không phải  loại tình yêu đang được đề cập tới. Tình yêu đang nói là tình yêu nam nữ, một loại tình yêu nói mãi, dù xưa nhưng không bao giờ cũ.
Luật pháp qui định về hôn nhân cho nữ phải trên 18 tuổi, nam trên 20 tuổi. Dầu đó là qui định về sự cưới gả, nhưng luật pháp đời nầy cũng ám chỉ rằng chừng ấy tuổi mới được chính thức yêu nhau.
Dĩ nhiên, khi bước vào tuổi Thiếu niên, với những biến chuyển cần thiết cho sự phát triển cơ thể, phát triển tâm sinh lý của tuổi dậy thì, cũng là lúc trái tim bắt đầu rung động, bắt đầu có những mơ ước đến một đối tượng khác phái. Tuy nhiên các bạn nào đã qua rồi tuổi thiếu niên, chắc chắn thấy rõ, tất cả đều là chuyện bắt chước, bắc chước từ việc ăn, mặc, đến chuyện yêu nhau.
Đó là lý do phải qui định giới hạn tuổi cho Tình yêu. Vì nói đến bắt chước là nói đến sự thiếu hiểu biết, hoặc hiểu biết chưa đầy đủ về thể xác lẫn tinh thần, chưa nói đến thiếu hiểu biết về thuộc linh. Các bạn Thanh Thiếu niên có thể phản đối và cho rằng mình rất rành về chuyện yêu đương, nhưng thật sự các bạn chỉ biết những hành động gọi là ‘Tình yêu: như: hẹn hò, chở nhau, chọc ghẹo, một chút galan,… trong khi lòng có thật yêu không? Chắc chắn còn phải xét lại.
Trong Sáng. 2:19-20, các bạn thấy rõ Đức Chúa Trời đã trắc nghiệm sự hiểu biết của A-đam qua việc thử xem A-đam đặt tên các loài vật như thế nào, nghĩa là A-đam phải trưởng thành đủ, phán đoán đủ, dù chính Chúa đã nhận biết nhu cần phải có của loài người. Ít nữa A-đam biết phân biệt giữa các loài vật, biết đặt những cái tên tích hợp hình dạng và công dụng của chúng. Điều quan trọng hơn nữa là Đức Chúa Trời chờ cho đến khi chính A-đam nhận ra cho chính mình có một nhu cần được giúp đỡ giống như mình, môt khoảng trống không có gì bù đấp được. Các bạn phải để ý, A-đam cần là cần một ‘sự giúp đỡ giống như mình’, không phải là cần một vật trang điểm, một trò chơi, một phương tiện giải trí. Một số bạn nam có chiếc xe mới thì cảm thấy cần một cái gì nặng nặng để chở; hoặc một cố gái mặc một chiếc áo mới thì cảm thấy cần một người để chở. A-đam không được Đức Chúa Trời ban cho một đối tượng để yêu cho đến khi nào về phần A-đam chẳng tìm được một ai giúp đỡ giống như mình hết.
Vì vậy, bạn phải chờ đợi, như người dụm lửa trong bếp lò, lửa bắt đầu bén vài viên than, một que củi, bạn cần phải nhẫn nại chờ thêm một chút cho đến khi cháy đủ; như người nướng bánh phải biết chờ cho lò nóng đủ.
Tôi không có ý nói với các bạn trẻ phải chờ đến 25, 30 hoặc 40 tuổi mới được yêu nhau, như một số người trong đó có các bạn trẻ, chủ trương. Thật ra, đến chừng ấy tuổi có khi đã muộn, hoặc sẽ không còn cơ hội thưởng thức thi vị của Tình yêu, lúc ấy chỉ là lý trí. Các bạn để ý những cặp vợ chồng lập gia đình dưới hai mươi lăm tuổi, họ thưởng quấn quit nhau, vui tươi hơn, đi đâu cũng thường đi chung, đi ngay, ít khi nào tính toán cẩn thận, đặc biệt là họ thường có con sớm và có nhiều con. Trong khi đó những cắp vợ chồng trên ba mươi tuổi thường giữ hơn, làm gì cũng suy tính, thí dụ như muốn có một đứa con, họ sẽ tính toán xem đủ tài chánh chưa, muốn đi đâu thì tính xem ai trông nhà, có đủ tiền không; những tính toán như vậy làm giảm mất hương vị bồng bột của Tình yêu.
Do đó, trong Tình yêu không có sự giới hạn, nhưng tối thiểu là mười tám tuổi cho nữ và hai mươi tuổi cho nam, miễn là khi ấy các bạn đã tiếp thu tạm đủ một sự hiểu biết tối thiểu về kiến thức cho nghề nghiệp, văn hóa; thời gian tạm đủ cho cơ thể phát triển, nhất là chính cá nhân cảm nhận nhu cần được giúp đỡ từ một đối tượng khác phái (tôi nói nhu cần, không nói thử hoặc muốn, hoặc bắt chước).
Trở lại câu chuyện A-đam, còn có một vấn đề phải nói đến, đó là nhu cần được giúp đỡ. Kinh thánh ghi rõ câu Chúa phán (câu 18) và câu ghi lại lời nói của A-đam (câu 20): “Một kẻ giúp đỡ giống như nó”. Lời của Chúa muốn nói đến một sự hòa hiệp về tánh tình và cả về niềm tin nữa. Một sự đồng cảm về đức tin rất cầnn thiết. Dale Carnegie đã nói: “Yêu nhau không phải ngồi nhìn nhau, mà nhìn về một hướng”. Chúng ta là người tin Chúa Jêsus, hướng cả hai cùng nhìn là niềm tin nôi Đức Chúa Trời. Tại sao quan trọng như vậy? Vì đó là phương pháp giải qthỏa đáng cho cuộc sống gia đình, nếu chúng ta kính sợ Chúa thì mới có thể yêu thương người khác; còn biết kính sợ Chúa thì còn hi vọng giải quyết những bất đồng khu chung sống.
Hãy kiên nhẫn chờ đến khi tạm đủ, đó là lúc được yêu!
III/. LÀM SAO BÀY TỎ TÌNH YÊU?
“Giê-hô-va Đức Chúa Trời làm cho A-đam ngủ mê, bèn lấy một xương sườn, rồi lấp thịt thế vào. Giê-hô-va Đức Chúa Trời dùng xương sườn đã lấy nơi A-đam làm nên một người nữ, đưa đến cùng A-đam”– Sáng thế ký 2:21-22
Chính từ điểm làm cách nào bày tỏ Tình yêu mà sinh ra biết bao nhiêu rắc rối trong Tình yêu, đưa đến những biến chứng trong Tình yêu, nhất là chuyện ‘thất tình’.
Bạn có thấy hoặc đã nếm mùi ‘thất tình’ chưa? Những truyện Lương Sơn Bá và Chúa Anh Đài bên Trung quốc, truyện Trương Chi và Mỵ Nương ở Việt nam, chắc chắn giúp các bạn trẻ biết tác hại của việc bị ‘thất tình’. Đây là thứ bịnh hầu như không có thuốc chữa. Trong kho tàng văn chương Việt nam có một bài Phú Tương Tư, ghi lại bài thuốc chữa bịnh ‘thất tình’ như sau:
Em thấy anh tương tư bịnh chắc,
Em hốt một thang thuốc bắc, sắc hai chục chén còn lại bốn phân;
Bỏ thêm một lát gừng sống, một đống gừng lùi, một nùi chuối hột, một hộp đơn qui, một ki trái táo, năm sáu chục trái cà-na, thần sa một lượng, khoai sượng một chục, mặng cục một trăm, rau răm một đám, cám một bao, con gái rao rao mười hai đứa, sứa lửa một trăm.
Huỳnh liên, huỳnh bá, huỳnh cầm.
Uống ba thang mà anh không hết đặng, thì em đào hầm chôn anh luôn
Tôi nghĩ rằng các bạn không cần uống thang thuốc đó. Để không cần uống thang thuốc ghê gớm như vậy, các bạn phải học cánh bày tỏ Tình yêu theo hai giai đoạn:
  1. Dò xét: (hay Tìm hiểu)
Tìm hiểu hay dò xét để làm gì? Tìm hiểu đế biết đối tượng có người yêu chưa. Nếu đã có người yêu, hoặc chưa nhưng có người đang theo đuổi, thì tốt nhất bạn nên rút lui. Nếu bạn tiếp tục theo đuổi, thì hoặc chính bạn sẽ đau khổ vì thất bại, hoặc bạn sẽ làm khổ người khác vì làm cho người đang yêu hay đang theo đuổi đối tượng thất bại. Hạnh phúc của mình mà đạp lên nỗi đau của người khác, là độc ác.
Tìm hiểu để biết đối tượng có khuyết điểm nào không? Tôi nhấn mạnh là khuyết điểm, không phải là tìm ưu điểm. Biết khuyết điểm của đối tượng để làm gì? Để bạn tự xét mình có chấp nhận được những khuyết điểm đó không. Bạn làm điều nầy lúc bạn chưa yêu, chưa bị chi phối, vì khi yêu thì trái ấu cũng tròn. Do đó, bạn phải bình tỉnh và âm thầm tìm hiểu, và bạn chỉ bình tỉnh khi nào bạn chưa yêu. Bạn phải âm thầm tìm hiểu thì mới biết được khuyết điểm của đối tượng.
Bạn phải nhớ nguyên tắc: TÌM HIỂU rồi YÊU NHAU, chứ không phải là yêu nhau rồi mới tìm hiểu. Chưa hiểu được đối tượng mà bạn yêu người đó thì bạn có thấy vô lý quá không? Mà đã yêu người ta rồi thì còn gì mà tìm hiểu? Nhà thơ Nguyễn Bính nói:
Chao ơi, yêu có Ông Trời cứu
Yêu có Ông Trời trói được chân.
Các bà ngày xưa khi đi cưới dâu thường giả làm người đi xin tro bếp. Nếu cô gái nào trả lời bếp nhà mình có nhiều tro thì các bà không chọn, vì cho rằng cô gái trong nhà đó không siêng việc bếp núc, quét dọn đã để tro đầy bếp lò. Có những câu hỏi gởi đến tôi liên quan vệc tìm hiểu, một trong những câu hỏi như sau:
HỎI: Tôi có một người bạn trước khi tin Chúa, nhưng nay đã chịu báp-têm. Từ đó trong chúng tôi có một tình yêu trong Chúa. Nhưng cho đến nay chúng tôi chưa hiểu nhau hết. Vậy, chúng tôi phải làm gì?
ĐÁP: Bạn không phải làm gì cả. Bạn chưa hiểu nhau mà lại vội yêu nhau thì thật là vô lý. Tôi cũng không biết bạn tìm hiểu để làm gì? Nếu để tiến đến hôn nhân thì tôi khuyên bạn:
  1. Nên tìm hiểu chính mình có dung chịu nỗi những khuyết điểm của đối tượng không, chứ không phải lo hiểu người khác.
  2. Không khi bạn hiểu hết người khác, vì “Bảy mươi chưa khoe mình lành”.
  3. Không khi nào bạn hiểu rõ, hiểu chính xác khi bạn đã yêu.
Vấn đề của bạn bây giờ là nếu muốn nghĩ đến Tình yêu và hôn nhân, thì bạn phải hiểu: Bạn đã đến tuổi trưởng thành đủ chưa? Sự nghiệp thế nào? Gia đình bạn có ý kiến gì? Từ lúc mà bạn gọi là yêu nhau, hai người có giữ mình thánh sạch không?
  1. Tỏ Ý:
Tôi nói về phái nữ trước vì có một câu hỏi: “Em muốn tỏ tình yêu, nhưng ngại một điều em là con gái. Con gái có quyền tỏ tình không?”
Dĩ nhiên, khi yêu thì nam hoặc nữ đều có quyền bày tỏ Tình yêu của mình, nhưng người nữ trong văn hóa Việt nam thì cần kín đáo để khỏi bị khinh dể, bị coi thường, nên đừng công khai lên tiếng, chỉ cần một vài cử chỉ nho nhỏ như giúp một việc nhỏ, một nụ cười, một lời nhờ đối tượng giúp… thì người con trai mà bạn yêu sẽ hiểu. Có BA trường hợp:
  • Nếu người bạn trai đó hiểu nhưng dè dặt. Cô nên tìm hiểu nguyên nhân, có thể đối tượng đó có người yêu rồi, hoặc vì mặc cảm nào đó nên dè dặt.
  • Trường hợp thứ hai, với bao cử chỉ như vậy mà người con trai đó không hiểu thì đó là người ngu, cô không nên yêu.
  • Trường hợp thứ ba, người đó hiểu và vội vàng lao tới. Cô phải cẩn thận vì có thể bị lợi dụng.
Về phái nam, bạn phải tránh những cử chỉ tỏ tình sỗ sàng như lúc nào cũng đi theo phía sau, hoặc lúc nào cũng tìm cách ngồi gần bên, hoặc nhìn chăm chăm, nhưng cũng đừng kín đáo quá.
Để tránh ngỡ ngàng và thất bại, các bạn nên trở lại với Sáng. 2:21-22, A-đam đã nhờ Một Trung Gian. Có ba hạng trung gian:
  • Chúa: Trước hết các bạn hãy nhờ trung gian là Chúa qua sự cầu nguyện của các bạn xin Chúa chọn cho các bạn mọt người đẹp lòng Chúa và đẹp lòng mọi người. Hãy cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn các bạn từng bước trên con đường d vào Tình yêu.
  • Cha mẹ: Đối với A-đam thì Đức Chúa Trời là Cha của anh ấy (Luca 3:38). Các bạn nên trình bày cho cha mẹ biết và xin ý kiến hoặc lên tiếng giúp các bạn. Tôi cũng xin các bậc phụ huynh nên âm thầm dò xét tìm hiểu và giới thiệu cho con của mình, sẵn sàng giúp con mình những ý kiến – không nên ép buộc trừ trường hợp vì niềm tin.
  • Một người có uy tín: Đức Chúa Trời đối với A-đam cũng là một người bạn luôn cảm thông, mỗi buổi chiều Chúa thường đến trò chuyện với A-đam (Sáng. 3:8). Các bạn có thể nhờ một người có uy tín như một người bạn, một người có tuổi, hoặc vị Mục sư nơi Hội thánh các bạn sinh hoạt. Người được nhờ làm trung gian phải biết nhờ ơn Chúa để giúp các bạn trẻ trong chuyện tình yêu và hôn nhân, giữ tình cảm hai bên, dù không xong việc.
Trung gian có thể là một món quà nhỏ như: một cành hoa hồng, hoặc một bức thư ngắn, nhưng phải kín đáo, tế nhị. Có truyện kể về một chàng trai yêu một cô gái đã bày tỏ tình yêu bằng cách gởi đến cô gái món quà là một cái chai không. Khi cô gái nhận cái chai, đã gởi lại cho người con trai đó một món quà là trái chanh. kết quả thời gian sau là họ tiến đến hôn nhân. Các bạn có biết ý nghĩa của hai món quà đó không? Cái chai được người con trai gởi đến cô gái là chàng trai muốn hỏi cô gái: CH (chờ) + AI?; cô gái gởi người con trai hỏi cô mọt trái chanh là uốn nói: CH (chờ) + ANH.
Vì các bạn là những người tin Chúa Jêsus, nên tôi khuyên các bạn khi đã chủ ý yêu nhau, thì nên bày tỏ cho cha mẹ biết sớm, càng sớm càng tốt. Tôi cũng xin các bậc làm cha mẹ: Nếu đối tượng của con mình là người trong Chúa thì nên sẵn lòng đồng ý. Có thể các bạn cũng cần thì giờ suy nghĩ và cầu nguyện với Chúa, nhưng tôi đề nghị các bạn đừng kéo dài thì giờ, nên ngắn thôi và cũng đừng kén chọn quá đáng. Nếu có trở ngại thì khéo léo tìm cách giải quyết, trình bày. Đừng từ chối như một cô thiếu nữ trong Chúa trả lời trực tiếp với người trung gian: Xí, đồ con heo hầm!
IV/. MỤC ĐÍCH CỦA TÌNH YÊU:
“ A-đam nói rằng: Người nầy là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi mà ra. Người nầy sẽ được gọi là người nữ, vì nó do nơi người nam mà có”– Sáng. 2:23)
Sáng thế ký 2:23 nói đến mục đích của Tình Yêu, hay nói cách khác là kết quả của Tình Yêu, ấy là để tiến đến một cuộc hôn nhân, một kết hiệp để thành một gia đình trong Chúa. Lời khuyên dành chó các bạn là chỉ yêu nahu khi thật sự nghĩ đến hôn nhân, chỉ yêu nhau với mục đích xây dựng một gia đình trong Chúa.
Nói như vậy đểcác cô gái không bị lừa gạt hoặc tự lừa dối chính mình. Khi một thanh niên bày tỏ tình yêu, các cô nên đặt vấn đề hôn nhân rõ ràng, lúc ấy sẽ tìm hiểuđể yêu nhau. Các cô gái cũng đừng tự lừa dối chính mình bằng cách trả lời; “tôi chưa muốn lập gia đình”, vì không thích cái dáng bên ngoài thay vì tìm sự chân thật bên trong.
Tôi không biết ai gieo rắc cái thành kiến ám ảnh các bạn thanh niên nam nữ rằng: Cưới nhau phải có tiền, hoặc Cần gì cuới nhau, đến đỗi nhiều bạn trẻ yêu nhau mà ít người cưới nhau. Tôi nhớ đến Lời Chúa phán trong thư I Timôthê 4:3 dạy rằng ngày sau rốt họ sẽ cấm cưới gả. Từ đó, Lễ Cưới trong Hội thánh trở nên hiếm hoi, đang trách hơn nữa là có những bạn trẻ còn lý luận: Đâu phải cưới nhau có làm lễ trong nhà thờ mới có hạnh phúc!?. Tôi hỏi các bạn trẻ, với bao nhiêu là kỷ niệm, bao nhiêu là lời khuyên dạy, bao nhiêu lời hứa nguyện, bao nhiêu sự quan tâm chứng kiến của cả Hội thánh và gia đình hai Họ, mà còn không giúp các bạn bảo vệ được hạnh phúc, trong khi các bạn không có gì cả thì các bạn lấy gì bảo đảm hạnh phúc? Cũng tại ý tưởng làm lễ mà không hiểu đó là vinh dự được trình diện gia đình mới của mình trước mặt Chúa, ấy là chưa kể nhiều bạn trẻ còn mượn Lễ Cưới trước Chúa để khoe dáng, khoe tiền, khoe lễ… nên Lễ Cưới của các bạn trở thành vô phước.
Thật ra Lễ Cưới đâu phải là một cái gì khủng khiếp, Kinh thánh dạy: Quyết chẳng có điều sợ hãi trong sự yêu thương (I Giăng 4:18). Kinh thánh cũng cho chúng ta biết, khi Đức Chúa Trời thiết lập hôn nhân là để hai người giúp đỡ nhau, giảm bớt gánh nặng cho hai người. Chúa không hề có mục đích lập hôn nhân cho con người để chất gánh nặng cho con người (Sáng. 2:18; Thi thiên 68:19; I Phierơ 5:7)
Lễ Cưới trở nên gánh nặng là vì những nguyên nhân hai Họ thiếu cảm thông, không có tình yêu thương thật trong Chúa, dùng Lễ Cưới để đòi hỏi, thách cưới theo người thế gian, tìm cách để gây khó khăn cho nhau…, hoặc vì hai bạn trẻ không biết sắp xếp, chỉ lo nhìn Lễ Cưới của người nầy người khác, chỉ có mục đích bày vẽ theo ý thích, mà không chú trọng đến ý nghĩa cao đẹp của hôn nhân.
Tôi không có ý nói Lễ Cưới không cần tiền, nhưng cần cho những khoản cần thiết, không phải để khoe khoang, nhất là phải biết ‘liệu cơm gắp mắm’ tùy khả năng gia đình hai bên, dĩ nhiên cũng đừng quá tính toán thành ra cuộc đổi chác lỗi lời.
DIỄN TIẾN LỄ CƯỚI CỦA NGƯỜI TIN CHÚA
Giai đoạn 1: Thông báo
  • Xin cha mẹ đứng chủ hôn.
Các bạn trẻ phải nhớ Kinh thánh dạy người tin Chúa Jêsus phải hiếu kính cha mẹ, phải vâng phục cham mẹ mình trong mọi sự - chắc chắn trong đó có sự hôn nhân, cho nên Hội thánh chỉ cử hành Lễ Hôn phối cho Lễ Cưới có cha mẹ hoặc người giám hộ chủ hôn.
Dù các bạn qua tuổi vị thành niên cũng phải có cha mẹ chủ hôn. Trường hợp cha mẹ qua đời hoặc ở quá xa, hoặc quá già yếu, hoặc vì lý do gì đó không đứng chủ hôn được, thì các bạn phải nhờ người giám hộ, hoặc Mục sư và Hội thánh nhờ người trong Hội thánh đứng chủ hôn, nhưng phải được sự ủy quyền của cha mẹ hoặc sự đồng ý của người trong Họ.
Trường hợp chưa được sự đồng ý của cha mẹ thì các bạn nhờ ơn Chúa giải thích và chờ đợi, đồng thời nhờ ông bà Mục sư quản nhiệm, hoặc những trưởng lão trong Hội thánh giúp giải thích khuyên cha mẹ. Đó là lý do các bạn ưu tiên thông báo cho cha mẹ, để có trở ngại thì còn thời gian chờ đợi.
  • Trình cho Mục sư quản nhiệm.
Các bạn nên nhờ phụ huynh trình ý định tiến đến hôn nhân cho Mục sư quản nhiệm và Ban Chấp Hành Hội thánh để xin ý kiến về việc chính thức tiếp xúc với gia đình bên cô gái, hoặc ngược lại, gia đình cô gái nên hỏi ý kiến của Mục sư quản nhiệm trước khi trả lời chính thức cho  gia đình bên người con trai.
Mục sư quản nhiệm và Ban Chấp Hành Hội thánh bên nhà trai nên có cuộc họp Ban Chấp Hành Hội thánh để mời gia đình nhà trai đến trình bày chi tiết như: Lễ Đính hôn, dự định Lễ Cuới (ngày, giờ). Nếu hai Họ thuộc hai Hội thánh thì hai vị Mục sư quản nhiệm và hai Ban Chấp Hành nên liên hệ với nhau giúp cho việc tổ chức hôn sự được chu đáo với tinh thần sẵn sàng giúp đỡ, tránh gây những khó khăn.
Ban Chấp Hành Hội thánh cần hỏi thăm đôi bạn trẻ, hỏi thăm gia đình hai bên, căn dặn giữ gìn thánh sạch để Lễ Cưới được cử hành đẹp lòng Chúa, đẹp lòng mọi người.
  • Các bạn phải tiến hành làm hôn thú, đừng để giờ chót mới nhớ đến.
Vì Hội thánh chỉ cử hành Lễ Cưới cho đôi thanh niên nam nữ nào được Chánh quyền công nhận qua tờ hôn thú. Thời gian lập Hôn thú là hai tuần, vì vậy đôi bạn phải lo cho xong trước ngày Lễ Cưới.
Giai đoạn 2: Chuẩn bị
  • Hai Họ nên gặp nhau:
Hai Họ gặp nhau để cảm thông, hiệp nhau giải quyết những vấn đề có cần như: số lượng khách mời, tài chánh, trng trí, Thiệp mời… Xin Chúa cho Hai Họ sẵn sàng chung sức với nhau để Lễ Cưới vinh hiển Danh Chúa và mọi người vui vẻ, thay vì để một bên  gánh nặng.
  • Nên nhờ các bạn trẻ trong Hội thánh giúp đỡ:
Những công việc nhờ giúp như: Tập hát cho Lễ Cưới (dù đó là công việc của Ban Thanh niên trong Hội thánh, nhưng hai Họ có lời nhờ sẽ tạo sự vui vẻ hơn), nhờ phân phát Thiệp Cưới, chuẩn bị x echo Lễ Cưới. Tránh đừng để đôi bạn tự lo quá nhiều, giúp đôi bạn có thì giờ nghỉ ngơi chuẩn bị sức khỏe và tinh thần cho ngày Lễ Cưới.
Đa số đôi bạn tự lo vì ngại nhờ người khác, nên đến ngày Lễ Cưới từ sức khỏe đến tinh thần đều mệt mỏi, sắc mặt kém vui, hốc hác vì mệt, thức khuya…)
  • Đôi bạn nên cùng nhau bàn tính những việc cần cho hai người:
Những việc cần cho hai người như: áo cưới, những nhu cần cho cuộc sống riêng từ chiếc giường ngủ đến cái chén đôi đũa, nhắc nhở nhau giữ mình trong sự thánh khiết và yêu thương.
  • Phụ huynh hai bên cố gắng lo cho đôi bạn có một Lễ Đính Hôn gọn nhẹ.
Mục đích của Lễ Đính Hôn là để thông báo cho mọi người, trong đó có xóm giềng, tránh tiếng dị nghị của những người chung quanh. Vì nếu không có Lễ Đính Hôn, mà cử hành Lễ Cưới đột ngột sẽ làm cho những người chung quanh, nhất là xóm giềng chưa tin Chúa nghi ngờ cố gái có vấn đề nên ‘cưới chạy’.
  • Sính lễ:
Sính lễ, nhờ ơn Chúa đừng đòi hỏi thách cưới như người thế gian, tránh những món không dùng trong Chúa như trầu cau, rượu, thuốc lá, nhang đèn…
  • Ngày Cưới:
Khi ấn định Ngày Cưới, thì hai Họ phải dành cho Cô Dâu là người quyết định để tránh những ngày riêng của phụ nữ đối với Cô Dâu (Mẹ hoặc chị ruột, hoặc Bà Mục sư hay Chấp sự nên hỏi riêng Cô Dâu)
  • Hướng dẫn Lễ Cưới.
Mục sư nên giới thiệu cho Chú Rể và Cô Dâu đọc những lòi dạy về Hôn nhân trong Kinh thánh, việc quan hệ vợ chồng (Sáng. 17:9-14; Lê-vi ký 12; 15; Hêbơrơ 13:4), những sách hướng dẫn về hôn nhân đúng đắn như cách nuôi dưỡng Tình Yêu sau ngày cưới, vấn để  vệ sinh trong việc vợ chồng…
Phần đông các Mục sư dành thì giờ dạy đôi bạn các nghi thức rong buổi Lễ Hôn Phối trong nhà thờ, tôi tưởng không cần thiết lắm vì khi cử hành Hôn Lễ, Mục sư vừa hành lễ vừa chỉ dẫn cũng được, nhưng điều cần là hướng dẫn cuộc sống mới cho đôi bạn để không bị ngỡ ngàng. Tại quan niệm quá hẹp về phương diện ‘Hội thánh’, nên các bạn trẻ không được hướng dẫn về vấn đề vệ sinh trong hôn nhân (đại khái: nam nên cắt bì, nữ tránh những ngày riêng…), trong khi Kinh thánh ghi lại Lời Chúa dạy rõ ràng, giúp người tin Chúa sống an bình và thỏa vui về thuộc linh lẫn thuộc thể.
Trước đây, tôi có dịp dự phần dạy về Tình Yêu và Hôn nhân cho một Khóa học về Tình Yêu và Hôn nhân do một vị Linh mục Công giáo Lamã tổ chức. Khóa học được dạy hai tiết vào mỗi chiều Chúa nhật và kéo dài 5 tháng, người học phải đóng tiền, và điểm danh cẩn thận. Khi mãn Khóa, học viên sẽ được cấp một chứng chỉ để dành cho Lễ Cưới của mình tại xứ đạo của mình. Khóa học dạy từ tâm lý, sinh lý, những phương diện xã hội trong hôn nhân… Lần đó tôi dạy về đề tài: Kinh thánh đối với Tình yêu và Hôn nhân. Khi dạy xong tiết đầu tiên, vị Linh mục chủ quản đã mời tôi uống nước và nói với tôi: “Lạ thật, Kinh thánh cũng có nói chuyện đó nữa”. Vị linh mục cũng hỏi tôi: “Bên Tin Lành có những Khóa học dự bị Hôn nhân như vậy không?” Thật lòng tôi xấu hổ vì sự thiếu sót của Hội thánh không dạy về điều nầy, nhưng tôi cũng trả lời: “Tổ chức chính thức như Quý Giáo hội thì chưa, nhưng thỉnh thoảng trong các Ban Ngành có dành thì giờ đề cập đến.” Tôi biết Hội thánh hải ngoại có những khóa học về hôn nhân, nhưng không sâu rộng, đầy đủ đáng phải có vì ngại đi vào vấn đề hoặc vì thiếu chuyên môn. Tôi mong ước Hội thánh sẽ lưu ý đến theo Lời Chúa trong Kinh thánh dạy dỗ không giấu điều chi hết.
Nghi thức Hôn Lễ:
TẠI NHÀ THỜ:
  • Hội thánh chỉ cử hành Lễ Hôn phối cho đôi bạn đã chịu báp-têm, và hoàn thành những thủ tục như: có cha mẹ chủ hôn, có hôn thú, được Hội thánh công nhận.
  • Nhà thờ phải được quét dọn sạch sẽ. Ban Chấp Hành nên nhờ người trang trí, quét dọn, đừng để đôi bạn lo việc nầy để họ được giảm gánh nặng.
  • Các con cái Chúa dù không được mời cũng nên tham dự chung vui trong giờ Lễ tại nhà thờ.
  • Nhân viên Ban Chấp Hành giúp hướng dẫn Hai Họ vào đúng vị trí.
  • Giảm bớt những tiết mục không cần thiết như: đừng hát quá nhiều, nhất là những bài đơn ca nên dành cho giờ dự tiệc; những điện văn hoặc các bài thơ chúc mừng chỉ cần đọc nội dung một hoặc hai bức điện hay bài thơ của người trưởng thượng, số còn lại sẽ xướng danh hoặc đọc tiếp trong giờ dự tiệc. Cô dâu và chú rể không cần cảm ơn trong giờ Lễ, ngược lại, gia đình nên tổ chức cho đôi bạn cảm ơn gia đình, thân tộc tại nhà riêng, trước ngày Lễ Hôn phối (Lễ Xuất giá cho cô dâu, và sau Ngày Cưới đối với chú rể).
  • Nên sắp xếp cho đôi bạn ngồi khi nghe giảng, trừ giờ Mục sư cửa hành Lễ.
  • Khi quỳ trước Chúa để cầu nguyện, chú rẻ nên đỡ cô dâu quỳ trước, và sau khi cầu nguyện, chú rể đứng lên trước để đỡ cô dâu đứng lên.
  • Khi trao nhẫn, dâu rể nên từ từ đeo cho nhau, không nên vội vã, đôi bạn quay mặt hướng về nhau, một tay cầm đầu ngón tay áp út của đối tượng hơi kéo thẳng một chút, tay kia nhẹ nhàng đẩy chiếc nhẫn vào. Đôi nhẫn nên để trên một khay đẹp nhờ rể phụ giữ và chỉ đem ra khi vào trong Nhà thờ.
  • Dâu phụ và rể phụ luôn lưu ý giúp đỡ những nhu cần cho cô dâu và chú rể, không phải chỉ giúp giữ quà.
  • Sau giờ Lễ, đôi bạn có thể cầm tay nhau nhẹ nhàng cùng bước, chỉ cần nương nhẹ.
TẠI NHÀ RIÊNG:
Hội thánh cố gắng nhờ ơn Chúa giúp đôi bạn có được Lễ Hôn phối tại Nhà thờ. Trong trường hợp bất đắc dĩ phải làm Lễ tại nhà riêng thì phần thủ tục vẫn phải có như Lễ trong Nhà thờ, phần nghi thức có thể đơn giản hơn tùy Mục sư hành Lễ.
V/. SỐNG TRONG TÌNH YÊU:
“Bởi vậy, cho nên người nam sẽ lìa cha mẹ mà dình díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt. Vả, A-đam và vợ, cả hai đều trần truồng, mà chẳng hổ thẹn”(Sáng thế ký 2:24-25).
Yêu nhau với mục đích để cùng tiến đến hôn nhân là việc cần thiết và chính là mục đích mà Đức Chúa Trời thiết lập hôn nhân cho con người. Vì vậy, bảo vệ hôn nhân và sống trong tình yêu hôn nhân là điều càng cần học biết nhiều hơn nữa. Chúa Jêsus Christ xác nhận từ ban đầu Đức Chúa Trời không cho phép ly dị, nhưng vì lòng người cứng cỏi không biết kính sợ Chúa để vâng phục nhau, để tha thứ cho nhau, để bảo vệ nhau, nên Chúa đã cho phép li dị như một ngoại lệ với trường hợp ngoại tình quả tang (Mathiơ 5:31-32; 19:3-9). Do đó, Cơ-Đốc nhân phải học cách sống trong tình yêu, nuôi dưỡng tình yêu và bảo vệ tình yêu đó để lúc nào cũng như ‘cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, ngàn năm hồ dễ mấy ai quên!”, (Khải huyền 2:4), hay nói cách khác: ‘nhật tân, nhật nhật tân’.
Qua Sáng thế ký 2:24-25, Lời Chúa dạy hai nguyên tắc cần phải có để chúng ta sống trong tình yêu.
  1. Nguyên tắc thứ I:“Người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt”.
Phải mau lẹ xác nhận về từ ngữ ‘lìa’ trong câu Kinh thánh nầy không phải là ‘bỏ’. Đã có sự hiểu lầm giữa hai từ ngữ nầy trong vòng con cái Chúa.
Một lần, tôi nói chuyện với một Mục sư đang muốn cưới vợ cho con ông, điều làm ông khó giải quyết là cả hai ông bà đều nhất định muôn sau Lễ Cưới, vợ chồng mới của con trai phải ở chung với ông bà (dù ông bà còn có hai con gái) và người con dâu đó phải ‘làm dâu’ phục vụ ông bà. Tôi nhắc đến câu Kinh thánh trong Sáng thế ký 2:24 nầy tức thì cả hai ông bà phản ứng ngay, ông nói: “Tôi nuôi nó lớn, bây giờ nó có vợ lại ‘bỏ’ tôi sao? Nó phải nuôi lại chúng tôi chớ” (ông đang quản nhiệm một Hội thánh lớn); còn bà thì nói: “Câu Kinh thánh đó là phong tục của người Do thái, còn phong tục của người Việt Nam là phải làm dâu”. Tôi giải thích với ông: “Đó là điều mong muốn đúng, nhưng Mục sư nên để con nó tự nguyện báo hiếu hơn là bắt buộc. Vả lại ông bà Mục sư hầu việc Chúa, chắc chắn Chúa sẽ lo cho ông bà và Hội thánh không quên ông bà đâu.” Tôi cũng nói với bà: “Vấn đề không phải là phong tục của dân tộc nào mà là Chúa dạy”.
Rõ ràng Lời Chúa không bao giờ dạy một người con ‘bỏ’ cha bỏ mẹ, trái lại Kinh thánh luôn dạy con cái phải hiếu kính cha mẹ (Xuất. 20:12; Êphêsô 6:1-3). Chúa Jêsus đã quở trách người Pha-ri-si về sự bất hiếu của họ: “Ngài đáp rằng: … Vì Đức Chúa Trời đã truyền điều răn nầy: Phải hiếu kính cha mẹ ngui; lại, điều nầy: AI mắng nhiếc cha mẹ thì phải chết. Nhưng các ngươi lại nói rằng: Những điều mà tôi có thể giúp cha mẹ, đã dâng cho Đức Chúa Trời rồi, thì người ấy không cần phải hiếu kính cha mẹ. Như vậy, các ngươi đã vì lời truyền khẩu mình mà bỏ lời Đức Chúa Trời” (Mathiơ 15:4-6).
Chúa Jêsus dạy về chữ ‘lìa’ còn người Pha-ri-si thì dạy chữ ‘bỏ’. Tại sao Chúa phải dạy người nam lìa cha mẹ dính díu với vợ mình? Vì để tránh hai nguyên nhân thường gây xung đột có thể phá vỡ hạnh phúc gia đình. Hai nguyên nhân đó là: (1) liên hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu; và (2) sự can thiệp của cha mẹ người nam (hoặc người nữ) vào gia đình của con cái.
Đối với người Việt Nam, thành ngữ ‘mẹ chồng nàng dâu’ hình như đã trở thành một thành kiến ăn sâu vào tâm trí. Các nhà tâm lý học lý giải rằng sở dĩ bà mẹ chồng có thái độ không vui với vợ của con trai mình vì đó là một phản ứng ganh tị trước tình thương của con trai trước đây dành cho mẹ bây giờ bị san sẻ vào vợ. Ngược lại, người vợ cũng ngấm ngầm ganh tị không muốn người chồng chia sẻ tình thương với ai, dù ngày cả với mẹ ruột của chồng. Thật ra, không phải tất cả người mẹ chồng nàng dâu nào cũng ganh ghét nhau, bằng cớ là bà mẹ chồng Na-ô-mi với nàng dâu Ru-tơ và Ọt-ba (sách Ru-tơ trong Kinh thánh)
Để cha mẹ có thể giúp vợ chồng con trai mình sống hạnh phúc trong tình yêu của nó, Chúa dạy người làm cha mẹ nên cho phép con trai mình lìa cha mẹ, dành tình yêu thương cho gia đình nó nhiều hơn, còn việc phụng dưỡng thì chắc chắn Chúa dạy nó và lòng yêu thương của nó tự nguyện đối với cha mẹ sẽ có ý nghĩa đẹp hơn.
Về phần vợ chồng trẻ, kinh nghiệm cho biết khi mới bắt đầu cuộc sống gia đình mới, cuộc sống sẽ có nhiều thay đổi quan trọng, các bạn đừng vội vàng đòi lìa cha mẹ để ở riêng. Hãy cứ ở chung với cha mẹ một thời gian đến khi nào cha mẹ vui lòng cho phép ra riêng thì tốt đẹp hơn. Làm như vậy các bạn sẽ tránh được việc làm tổn thương tình yêu thương của cha mẹ, và các bạn sẽ có cha mẹ trông coi giúp đỡ những việc có cần.
Cũng xin Chúa cho cô dâu mới về nhà chồng dừng mang thành kiến mẹ chồng nàng dâu, vì thành kiến đó sẽ khiến cô dâu lúc nào cũng nghĩ sai lạc về gia đình bên chồng, dù mẹ chồng hoặc bất cứ người nào bên chồng đối xử tốt. Nhà văn Nguyễn Công Hoan có viết quyển tiểu thuyết tựa đề Cô Giáo Minh nói về một cô giáo theo tân học trong buổi giao thừa văn hóa của Việt Nam vào thập niên 20-30 của thế kỷ 20 từ ảnh hưởng Nho giáo (phong kiến) sang Tân học theo Tây phương. Cô giáo Minh khi về nhà chồng đã mang ý tưởng không chấp nhận làm dâu nên lúc nào cô cũng chống lại mẹ chồng và những người em chồng. Ngược lại, mẹ chồng và các cô em chồng cũng tìm đủ mọi cách hành hạ cô giáo Minh. Cuối cùng cô giáo Minh quyết định bỏ nhà bên chồng ra đi. Trong cái đêm quyết định, cô viết thư để lại trước giờ bỏ đi, cô chợt nghĩ: Tại sao cô không thay đổi thái độ hiền hòa, yêu thương họ? Và thay vì quyết định rà đi, cô giáo Minh đã quyết định ở lại với thái độ mới sống hiền hòa, yêu thương họ. Điều đó làm ngạc nhiên mẹ chồng và những người em chồng khiến họ cũng thay đổi. Đó là tiểu thuyết ngoài đời phản ánh tình trạng xã hội Việt Nam thời đó nhưng cũng nói lên ước muốn xây dựng một quan niệm mới để bảo vệ hạnh phúc gia đình từ hai chiều, huống chi chúng ta là những người tin Chúa. Tôi muốn nhắc lại gương của mẹ chồng Na-ô-mi và nàng dâu Ọt-ba và Ru-tơ, qua đó người mẹ chồng lúc nào cũng muốn con dâu sống vui, không phải chịu cực khổ như mình khiến cho nàng dâu tin Chúa và yêu thương bà; còn nàng dâu Ru-tơ thì quyết chí lo cho mẹ chồng dù phải chấp nhận cuộc sống cực khổ. Hãy đó II Timôthê 1:5, cuộc sống giữa người bà Lô-ít và người mẹ Ơ-nít, đã nuôi dưỡng chàng trai trẻ Ti-mô-thê nên người có đức tin.
Cái lợi thứ hai trong việc người nam lìa cha mẹ dính díu với vợ mình, là cha mẹ không can thiệp vào chuyện riêng của gia đình con trai. Trong tạp chí Mỹ Thuật Thời Nay ghi lại sự can thiệp không cần thiết của cha mẹ suýt làm đổ vỡ hạnh phúc gia đình con mình như sau:
“Jérome xem vợ như người xa lạ. Josy thì về nhà khóc với cha. Hai bên sui gia gặp gỡ nhau. Bà mẹ chồng bênh con trai mình. Cặp vợ chồng trẻ và hai bên sui gia cãi cọ, than thở và cuối cùng cô gái trở về nhà cha mẹ ở.
Tôi gặp Jérome. Anh ta nói vắn tắt:
-          Josy quen được cưng chiều và không hòa hợp với cuộc sống chung. Gia đình cô ấy không trợ cấp nhưng cô ấy không muốn sống trong những điều kiện chúng tôi có. Hai năm trời cô ta luôn miệng nói là chỉ cần “một túp lều tranh và một trái tim”. Nhưng cô không muốn quét dọn túp lều, còn quả tim thì cô coi là sở hữu riêng.
Phương thuốc chữa trị thật là đơn giản: Yêu cầu hai bên cha mẹ đừng nhúng tay vào, rồi tôi nắm tự ái của hai người để yêu cầu họ làm cuộc thử nghiệm. Tôi bảo Josy rằng nếu cô là người biết điều thì chỉ tháng sau cô sẽ tìm gặp trở lại con người rất yêu thương cô. Tôi cũng gợi ý cho cô hiểu rằng cái bí quyết quan trọng của những người phụ nữ “già dặn” là biết nghe người đàn ông nói và làm bộ ưa thích những gì mà người ấy ưa thích. Với Jérome, tôi giải thích cho anh ta rõ là anh ta lỗi thời rồi. Cái kiểu chồng chúa vợ tôi không thể nào tồn tại được. Cả hai đều phải đi làm để kiếm sống thì phải hỗ trợ nhau trong công việc nah2 và người chồng cần hiểu biết tâm lý người vợ.
Kết quả họ hòa thuận trở lại”.
Theo Lời Chúa dạy cha mẹ hãy cho phép con trai lìa cha mẹ để con trai mình dính chặt với người vợ của nó yêu thương, cũng có nghĩa là cha mẹ hai bên hãy để con mình tự giải quyết việc vợ chồng của nó, nhờ ơn Chúa lúc nào cũng cố thúc giục vợ chồng con mình hòa thuận lại như Chúa dạy trong Rôma 12:18., Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người, đừng xen vào làm cho vợ chồng con của mình phân rẽ (I Côrintô 7:5-6).
  1. Nguyên tắc thứ 2“…và cả hai sẽ nên một thịt. Vả, A-đam và vợ, cả hai đều trần truồng, mà chẳng hổ thẹn” – Sáng thế ký 2:24b-25.
Nguyên tắc thứ hai là Nguyên tắc Không Hổ Thẹn. Nhóm từ quan trọng trong câu Kinh thánh nầy là Hai Người Trở Nên Một Thịt được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong Kinh thánh (chính Chúa Jêsus nhắc đến trong Mathiơ 19:4-6; sứ đồ Phao-lô lặp lại trong Êphêsô 5:31-32).
Hhai câu Kinh thánh cuối đoạn 2 của sách Sáng thế ký nầy dạy chúng ta một nguyênt ắc nữa để nuôi dưỡng tình yêu và sống trong tình yêu. Nguyên tắc thứ 1 là sống không có sự can thiệp bên ngoài, dù là những người thân trong dòng họ. Điều sai lầm nhất của các cặp vợ chồng là thường nghe và tin lời xầm xì hoặc dưới dạng ‘góp ý’ của người ngoài, kể cả những lý thuyết của các chuyên gia không từ Lời Chúa dạy, hơn là chịu lắng nghe ý kiến của vợ hoặc chồng mình. Nguyênt ắc thứ 2 là Lời Chúa dạy vợ chồng đối xử với nhau trong phương diện thuộc linh và thuộc thể, làm sao tạo được sự hòa cảm hiệp nhất.
“Trở nên một thịt” là ‘một sự mầu nhiệm’ như Phao-lô nói  trong Êphêsô 5:32, Sự mầu nhiệm nầy là lớn, và Kinh thánh đã nói đến nhiều lần về sự mầu nhiệm nầy:
  • Thi thiên 139:14, Tôi cảm tạ Chúavì tôi được dựng nên cách đáng sợ lạ lùng. Công việc Chúa thật lạ lùng, lòng tôi biết rõ lắm.
  • Châm ngôn 30:18-19, Có ba việc diệu kỳ cho ta, và bốn điều mà ta chẳng biết được: là đường chim ưng bay trên trời, lối con rắn bò trên đá; lằn tàu chạy giữa biển, và đường người nam giao hiệp với người nữ.
Không có một sự kết hiệp nào về thuộc thể kỳ diệu như sự ‘nên một thịt’ của vợ chồng như thế, không phải một nhà, không phải một tinh thần, không phải chỉ một thể xác, … mà là tổng hợp tất cả những cái ‘một mà loài người có. Người Việt Nam có câu ví von sự mầu nhiệm nầy:
            Mình với ta tuy hai mà một,
            Ta với mình tuy một mà hai.
Nói theo ngôn ngữ tình yêu, bây giờ không còn là của tôi và của anh (em) mà là của chúng ta. Cho nên để nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình cần có một sự hòa cảm giữa vợ và chồng trong phương diện thể xác nữa. Không có gì gọi là dung tục ở đây cả, mà là một sự mầu nhiệm lớn, một sự lạ lùng mà Đức Chúa Trời đã đặc biệt ban cho loài người, ngay cả một người khôn ngoan như Sa-lô-môn cũng không hiểu được.
Kinh thánh nhấn mạnh đến ‘nên một thịt’, tức là sự hòa cảm giữa vợ và chồng. Đã xảy ra n thất bại trong cuộc sống vợ chồng sau ngày cưới do việc thiếu hiểu biết hòa cảm của một trong hai người, hoặc cả hai người (vợ và chồng) – tôi đang nói về những cặp vợ chồng là Cơ-Đốc nhân.
  • Sau ngày cưới, người chồng nôn nóng đã làm cho người vợ mới cưới là một thôn nữ ngây thơ sợ hãi, phải ngủ quay ngược đầu né tránh. Kết quả ba ngày sau người vợ bỏ chồng trở về nhà cha mẹ ruột vì không thể hòa cảm với người chồng nôn nóng, cuối cùng cả hai đi đến li dị.
  • Một người chồng khác cho rằng người vợ mới cưới quá xác thịt, lúc nào cũng đòi hỏi chồng đáp ứng chuyện gần gũi, người chồng cho là người vợ không thiêng liêng như lúc chưa cưới. Thế là họ thôi nhau.
Còn nhiều nữa, phần lớn vì khuôn khổ ‘đạo đức hẹp’ trong quan niệm của Hội thánh các cặp vợ chồng Cơ-Đốc dường như ‘chịu đựng’ nhau để tạo dáng thiêng liêng, hoặc nghĩ ‘vợ chồng là như vậy và chỉ như vậy!’. Họ không thưởng thức được hương vị của tình yêu trong hạnh phúc gia đình, họ có thể bảo vệ được gia đình nhưng không bảo vệ được tình yêu vì họ đã đẩy Kinh thánh vào góc tôi của một kệ sách hoặc tòa giảng nơi nhà thờ, tìm kiếm những chuyện ‘thần thoại’ trong Kinh thánh hay những lời kinh đọc để được cứu theo quan niệm của những người Pha-ri-si (Giăng 5:39a), trong khi đó họ không học điều Chúa dạy trong Kinh thánh sách Sáng thế ký 2:24b-25.
Tuy nhiên có những điểm nhấn mạnh của câu Kinh thánh nầy cần được nói đến:
  • sự mầu nhiệm hòa hiệp, hòa cảm nầy chỉ có khi người nam dính díu với vợ mình, không phải với bất cứ người nữ nào, khi đó cả hai vừa vui sướng, vừa yêu thương, vừa trách nhiệm, và người nam rõ ràng là người chủ động.
  • ‘Trần trưồng mà không hổ thẹn’ chỉ có thể xảy ra trong khi đã là vợ chồng chính thức trước mặt Chúa, trước mặt Hội thánh, Hai Họ, chánh quyền và mọi người. Nhã ca 8:10, Bấy giờ tôi ở trước mắt (nhiều) người như kẻ đã được bình an, ngày mà cả thế giới dành riêng cho đôi vợ chồng mới.
Điều đáng tiếc là những dạy dỗ về hôn nhân gia đình trong Hội thánh như những bài giảng cho Lễ Hôn phối, những bài học về gia đình, mang nặng tánh chất thiêng liêng ảo, không dám đụng vào những trục trặc về thể xác có thể xảy ra, trong khi Kinh thánh không hề tránh né. Một lần, khi tôi nhận lời dạy 6 tiết về Tình yêu và Hôn nhân Gia đình với đề tài của tôi là Kinh thánh dạy gì về Tình Yêu và Hôn Nhân, tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế thuộc Giáo hội Công giáo Lamã tại đường Kỳ Đồng, Quận 3 (Tp.HCM). Sau tiết thứ nhất, vị Linh mục chủ quản Chương trình khi mang ly nước đến mời tôi giải lao, đã nói với tôi với vẻ ngạc nhiên: Kinh thánh mà cũng có nói vấn đề nầy nữa!Không phải chỉ riêng vị Linh mục nầy mà ngay cả người Tin Lành cũng quan niệm Kinh thánh chỉ để đọc và học những chuyện thuộc linh, không liên quan gì đến thuộc thể, trong khi đó đi tìm học nơi thế gian những phương pháp tâm lý chỉ dạy giải quyết theo sức riêng sức con người, giới trẻ tìm học nơi những bạn bè xấu để rồi bị hư tánh nết tốt (I Côrinhtô 15:33).
Tôi xin Chúa cho người tin Chúa hãy quay lại ươm trồng vườn hoa tình yêu cho chính mình và sống trong vườn hoa tình yêu ngát hương đó, nuôi dưỡng nó, làm cho vườn hoa tình yêu cao đẹp như Lời Chúa là Kinh thánh dạy tỏa mùi thơm đến nhiều người khác.

1 comments for "ĐỂ CÓ TÌNH YÊU TRONG CHÚA CAO ĐẸP"

1
Gia Dinh Gieo Giong
October 31, 2016 at 12:47 AM [Reply]
Cam on Chua!

Related link

Latest Features

Weather

April - 2025
SMTWTFS
  12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
27282930   
       

Facebook comments