Gia Dinh Gieo Giong

Gia-cốp - ÐỔI MỚI TRONG ÂN SỦNG



  
Mục sư Hồ Xuân Phước 
     Sau khi lừa cha để cướp quyền trưởng nam và phước lành, Gia-cốp bỏ nhà chạy trốn (Sáng thế ký 27:43). Biết Ê-sau mưu định giết em để trả thù, Rê-bê-ca thuyết phục chồng gửi Gia-cốp về quê ngoại – tránh hiểm họa. Y-sác chúc phước để Gia-cốp ra đi.
     Bên cạnh lời chúc phước đặc biệt dồi dào, Y-sác căn dặn Gia-cốp tránh xa gái Ca-na-an – cưới một cô gái của La-ban làm vợ (Sáng thế ký 28:2). Y-sác dõng dạc thừa nhận Gia-cốp là người chính thức thừa kế giao ước Áp-ra-ham.

       Câu 3-4: “Cầu xin Ðức Chúa Trời Toàn Năng ban phước cho con, cho con đông con, cho dòng dõi con sinh sôi nẩy nở và trở thành một cộng đồng nhiều dân tộc. Cầu Chúa cho con và dòng dõi con hưởng phước lành của Áp-ra-ham và cho con làm chủ miền đất con đang kiều ngụ mà Ðức Chúa Trời đã ban cho Áp-ra-ham.”

     Lừa cha một cách dại dột, không cần thiết, Gia-cốp cướp quyền trưởng nam – đặc quyền mà Chúa đã hứa cho mình. Bây giờ lang thang một mình, một cõi – giữa trời không – hiểm nguy rình rập!
      Ngủ gối đầu trên cục đá, Gia-cốp nằm mộng “thấy một chiếc thang bắt từ đất lên trời – các thiên sứ lên xuống trên thang ấy” (28:12). Trên đỉnh cao, Chúa đứng phán, “Ta là Chúa, Ðức Chúa Trời của Áp-ra-ham, và của Y-sác, cha con. Ðất con đang nằm đây thuộc về con! Ta ban miền đất nầy cho con và cho dòng dõi con. Dòng dõi con sẽ đông như cát bụi trên mặt đất. Con sẽ mở rộng biên cương cả đông tây, nam bắc. Các dân tộc trên thế giới sẽ nhờ con và hậu tự con mà được phước.”
     Lời hứa Chúa dành cho Áp-ra-ham bây giờ trở thành lời hứa cho Gia-cốp. Gia-cốp trở thành tổ phụ thứ ba, sau Áp-ra-ham và Y-sác. Làm cháu nội Áp-ra-ham không đủ. Gia-cốp phải có mối liên hệ cá nhân, gần gủi, sâu đậm với Chúa.
     Chúa không có cháu nội, cháu ngoại. Mỗi chúng ta cần liên hệ mật thiết với Chúa cách cá nhân, ngọt ngào – như cha với con.
     Phần còn lại của Lời Chúa hứa không kém phần ngọt ngào, quý báu: “Ta sẽ ở cùng con luôn. Con đi đâu Ta sẽ theo gìn giữ đó và đem con về xứ nầy, vì Ta không bao giờ bỏ con, cho đến khi Ta hoàn thành lời Ta đã hứa với con.” Quả là một lời hứa quá quý báu, tràn đầy ân sủng!
     Lừa cha, gạt anh, khốn khổ trên đường tị nạn vì tội lỗi, gian ác của chính mình – ai dám nghĩ Gia-cốp xứng đáng với hồng ân Thiên Chúa? Tại sao Chúa quan tâm, thương xót một người không đáng xót thương?
     Gia-cốp không tìm kiếm Chúa, cũng không mong đợi Chúa và ân sủng nào! Thiên Chúa của ân sủng ngọt ngào cho ông đến đây. Chính Ngài sẽ dẫn lối cho ông trở về bình an.
     Gia-cốp đáp ứng thế nào? Sáng thế ký 28:16, “Gia-cốp thức giấc, tự nhủ: ‘Thật Chúa ngự tại đây mà ta không biết!” Gia-cốp kinh ngạc, hoảng sợ – như Anh, Chị và tôi – biết Chúa hiện diện “tại đây” – trong khốn khổ cô đơn, hay trong hành động tội lỗi, mờ ám!
     “Nơi đây” (được lập lại sáu lần: ‘tại đó, tại đó,’ câu 11; ‘nơi đây,’ câu 16; ‘chốn nầy,’ câu 17 và 19; ‘đây,’ câu 17) là nơi nào? “Nơi đây” là Bê-tên, chỗ Áp-ra-ham gặp Chúa năm xưa, lập bàn thờ, cầu khẩn danh Chúa – trên đường từ Cha-ran đến Đất Hứa (Sáng 12:8).
     Câu 17: “Gia-cốp sợ hãi nói: ‘Nơi nầy thật đáng kính sợ. Ðây chính là nhà của Ðức Chúa Trời, là cổng trời!” Lòng tôn kính hòa lẫn trong lo sợ. Qua giấc mơ nơi hoang dã, Gia-cốp ý thức rõ rằng đây cũng là nhà Chúa và Ngài biết rõ. Chúa ở mọi nơi.
     Vì thế, thức dậy sớm, Gia-cốp thờ phượng Chúa ngay giữa nơi cô quạnh đó. Ông dựng tảng đá gối đầu làm trụ kỷ niệm, đổ dầu ô-liu trên đỉnh, rồi đặt tên địa điểm nầy là Bê-tên.
     Kinh sợ, chân thành, tôn kính, thờ phượng là thái độ gương mẫu, nhưng lời khẩn nguyện của Gia-cốp giống như đặt điều kiện với Chúa! Gia-cốp khấn nguyện gì? Câu 20: “Nếu Ðức Chúa Trời ở với con, gìn giữ con trên đường con đi, cho con đủ ăn đủ mặc, và đưa con trở về nhà cha con bình an, thì Chúa sẽ là Ðức Chúa Trời của con... và con sẽ dâng lại cho Chúa một phần mười mọi vật Chúa ban cho.”
     Hy vọng Gia-cốp không có ý mặc cả với Chúa nhưng chỉ muốn bày tỏ đức tin trong kinh nghiệm gặp Chúa đặc biệt, mới mẻ. Ông hứa sẽ luôn thờ phượng và dâng hiến một phần mười cho Chúa.
     Và từ đấy, dâng phần mười trở thành quy luật tự nguyện của dân Israel. Họ dâng hiến để bày tỏ lòng biết ơn, tôn thờ Chúa – đáp ứng lại với ân sủng tuyệt vời của Ngài.
     Tại sao dâng hiến một phần mười cho Chúa là quan trọng, cần thiết? Chúa Jesus trả lời câu hỏi nầy trong Ma-thi-ơ 6:21, “Vì của cải các con ở đâu, lòng các con cũng ở đó!”
     Thái độ và cách chúng ta sử dụng tài sản vật chất của mình phản ánh mối liên hệ của mình với Chúa. Vì lý do đó, khi thực sự gặp Chúa và được đổi mới, thờ phượng và dâng hiến một phần mười trở thành thứ tự ưu tiên hàng đầu của Gia-cốp.     
     Hành trình tâm linh của ông chỉ mới bắt đầu. Cuộc sống còn dài. Chúa còn uốn nắn, mài gọt nhiều lắm để biến Gia-cốp trần tục thành một tuyệt tác (Ê-phê-sô 2:10). Nỗ lực đổi mới của Gia-cốp chẳng thấm vào đâu! Nỗ lực của Anh, Chị và tôi cũng vậy.
     Ân sủng Chúa thật mầu nhiệm, tuyệt vời. Ân sủng là hy vọng duy nhất cho Gia-cốp, Anh Chị và tôi. Tất cả chúng ta không xứng đáng được yêu thương, tha thứ tội. Không một ai đủ khả năng tự cứu mình để được thiên đàng.
     Chiếc thang Gia-cốp mơ thấy là hình ảnh của Chúa Cứu Thế Jesus. Chính Ngài phán với Na-tha-na-ên điều đó. Giăng 1:50-51: “Các Anh sẽ thấy bầu trời mở ra và thiên sứ của Ðức Chúa Trời lên xuống trên Con Người!”
     Phao-lô viết trong 1 Ti-mô-thê 2:5-6, “Vì chỉ có một Ðức Chúa Trời và một Ðấng Trung Gian giữa Ðức Chúa Trời và nhân loại, là Chúa Cứu Thế Jesus, cũng là người. Ngài đã hiến chính mạng sống mình làm giá cứu chuộc mọi người.”
     Chúa Cứu Thế Jesus ở mọi nơi, lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta. Ngài là Ðấng trung gian giữa Ðức Chúa Trời và người. Ngài là Nhịp Cầu Cứu Rỗi – là Thang Trời bắt từ trời xuống đất, dẫn từ đất lên trời.
     Chúa Jesus là Con Người, là Ðấng Cứu Rỗi đời đời, không đổi thay. Tình yêu, ân sủng và lời hứa thành tín của Chúa còn lại mãi mãi. Anh, Chị và tôi đi đâu, Chúa sẽ theo gìn giữ đó.
     Chúng ta cần để Chúa đổi mới mình mỗi ngày như Lời Chúa trong Phi-líp 1:6, “Ðấng đã bắt đầu làm một việc tốt lành trong anh chị em cũng sẽ hoàn thành việc đó cho đến ngày của Chúa Cứu Thế Jesus.”
     Vì sống trong gia đình cha mẹ và ông bà nội, Gia-cốp biết Chúa. Cái biết của đầu óc, lý trí – chưa phải là niềm tin chân thật, tự phát của tấm lòng! Gia-cốp chưa thực sự gặp Chúa!
     “Bê-tên, tại đây, chỗ nầy” – Gia-cốp gặp Chúa, trực tiếp, riêng tư, cá nhân. Tại đây, Chúa mở rộng vòng tay chờ đón một Gia-cốp tội lỗi, lừa cha, gạt anh – với lòng khoan dung, yêu thương, tràn đầy ân sủng.
     Mặc dầu cầu phước lộc trần tục – gia súc, tài sản vật chất cho cá nhân mình – Chúa hứa ban Gia-cốp cả những phước hạnh thiêng liêng cho các dân tộc. Chúa chọn gặp Gia-cốp – cũng như Anh, Chị và tôi – trong khủng hoảng, bất an – khi chúng ta sẵn lòng lắng nghe, đón nhận. 
     Chúa xác nhận chính Ngài là Chúa của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp (28:13). Và Chúa lập lại giao ước với Áp-ra-ham – liên hệ đến đất hứa, quốc gia và phước cho nhân loại (12:1-3).
     Thứ nhất, Chúa hứa ban Gia-cốp và dòng dõi Ðất Hứa. Thứ nhì, dòng dõi Gia-cốp sẽ đông như cát bụi trên đất. Thứ ba, các dân tộc trên thế giới sẽ nhờ Gia-cốp và hậu tự mà được phước.
     Ðang chạy trốn, cô đơn, khốn khổ, lo sợ – không biết bao giờ gặp lại mẹ cha, Chúa cho Gia-cốp lời hứa và an ủi thật tuyệt diệu, “Ta sẽ ở cùng con luôn. Con đi đâu Ta sẽ theo gìn giữ đó và đem con về xứ nầy, vì Ta không bao giờ bỏ con, cho đến khi Ta hoàn thành lời Ta đã hứa với con.”
     Gia-cốp nhận biết rõ ràng rằng Chúa đã đến thăm viếng, hiện diện “nơi nầy.” Ðây là “nhà Chúa, cổng trời.” Chúa ở mọi nơi và Gia-cốp đã thực sự gặp Chúa.
     Bất cứ ai biết mình tội lỗi – cần gặp Chúa với lòng ăn năn, kính sợ, xưng nhận lầm lỗi để được tha thứ. Ân sủng của Chúa dành cho mọi người, vì “Ngài không muốn cho một ai hư mất, nhưng muốn mỗi người ăn năn” (2 Phi-e-rơ 3:9). 
     Bất cứ ai tiếp nhận Chúa Jesus làm Chúa của mình đều được sống đời đời trong tình yêu và ân sủng chan hoà của thiên đàng phước hạnh. Bạn đã nhận được món quà quý giá, tuyệt vời nầy chưa?
     Gia đình Gia-cốp là một gia đình xáo trộn, lục đục, rắc rối. Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp và các bà vợ có nhiều thiếu sót, lầm lỗi, gây đau thương cho nhau. Thế mà Chúa lại thương yêu, tràn ân sủng. Tôi được an ủi và hy vọng! 
     Anh, Chị có tính khí kỳ cục, ganh ghét, nghi kỵ, giận hờn, hay nói dối....? Gia đình có không khí bí mật, bất hòa? Anh, Chị sẽ được khích lệ, an ủi qua câu chuyện Gia-cốp. Lừa cha, gạt anh như Gia-cốp mà được Chúa thương xót, quan tâm.
     Anh, Chị và tôi có hy vọng trong Chúa. Chúa giàu yêu thương và tràn đầy ân sủng.  Hãy trở về Bê-tên với lòng chân thành gặp Chúa. Anh, Chị và tôi luôn được tha thứ, hoà giải, đổi mới trong yêu thương, ân sủng ngập tràn. Amen.
MỤC SƯ HỒ XUÂN PHƯỚC

Related link

Latest Features

Weather

May - 2025
SMTWTFS
    123
45678910
11121314151617
18192021222324
25262728293031
       

Facebook comments