Gia Dinh Gieo Giong

NGÔI MỘ TRỐNG



Thưa quý vị! Sinh, Lão, Bệnh, Tử là bốn cái khổ thường tình của con người không ai mà tránh khỏi được. Là người có sinh thì phải có tử. Nên người ta có ngày sinh, tức là sinh nhật và rồi thì ngày tử. Tử đánh dấu giây phút cuối của cuộc đời, tử là chấm dứt. Ðối với người “chết là hết!” Nhưng trong lịch sử của nhân loại có một người đã chết nhưng chết chưa hẳn là hết, người ấy chẳng những có ngày sinh và ngày chết, mà còn có ngày sống lại nữa. Người ấy không ai khác hơn là Chúa Cứu Thế Giê-su.
Tháng 02 năm 1973, Jean Taraud đến thăm nghĩa địa trên hòn đảo nhỏ bé phía tây nước Pháp và anh đã hoảng hồn vì ngôi thạch mộ của Thống chế Philippa Pétain, người hùng của nước Pháp, đã bị đánh cắp thi thể. Anh liền báo động, chính phủ Pháp đã tầm nã và tìm lại được thi hài vị Thống chế tài ba này. Tổng thống Pháp đương thời ra lệnh đem chôn ngay xác kia trở lại ngôi mộ trống trên đảo và cho lính canh cẩn mật.

Cách đây khoảng 2000 năm, theo Phúc Âm Mác đoạn 16 và Phúc Âm Giăng đoạn 20 kể lại, thì vào một sáng Chúa Nhật, tức ngày đầu tiên trong tuần lễ, lúc trời còn mờ mờ, Ma-ri Ma-đơ-len, Ma-ri mẹ Gia-cơ, cùng Sa-lô-mê đến viếng mộ Chúa Giê-su, lúc này xác của Chúa đặt nằm trong mộ đã bước qua ngày thứ ba. Nhưng khi đến nơi họ vô cùng kinh ngạc, vì thấy hòn đá chặn cửa mộ đã lăn ra khỏi cửa mồ, rồi bước vào không thấy xác Ðức Chúa Giê-su đâu. Họ liền chạy vô thành phố tìm Phi-e-rơ và Giăng để báo tin, hai người này lập tức chạy đến mộ. Khi đến nơi họ cũng đều kinh hoàng khi thấy tảng đá trước mộ đã bị lăn ra, và càng ngạc nhiên hơn nữa, là lúc bước vào trong mộ họ chỉ thấy vải liệm còn mà thân thể Chúa biến mất, phần mộ trống rỗng. Và từ đó cho đến nay chưa ai tìm được xác của Chúa!
Hôm nay nhắc lại những ngôi mộ lịch sử này, tôi muốn cùng quý vị thử suy nghĩ đến sự khác biệt giữa ba ngôi mộ trống ấy. 1) Ngôi mộ trống của Kim-tự-tháp trống rỗng vì người Anh đã dời thi hài của các Pha-ra-ôn và hoàng hậu Ai Cập về bảo tàng viện Le Caire. 2) Ngôi mộ trống của Thống chế Philippa Pétain chỉ trong vài ngày thì tìm kiếm được thi hài và được an táng trở lại. 3) Nhưng ngôi mộ trống của Chúa Giê-su đã được an táng xác Ngài trong ba ngày, và ngót hai ngàn năm nay, dù loài người có gắng công tìm kiếm bằng bất cứ lịch sử hay khoa học đi nữa, họ cũng không sao tìm ra được thi thể của Ngài.

Chỉ vì lý do rất đơn giản, là không ai đánh cắp xác Ngài, cũng không nước nào di chuyển xác Ngài vào viện bảo tàng cả. Thánh Kinh Ma-thi-ơ 28:6a chép: “Ngài không ở đây đâu; Ngài sống lại rồi, như lời Ngài đã phán.” Vâng, Chúa thật sự đã sống lại! Ðiều mà các môn đồ của Chúa lấy làm tự hào, không phải là một thánh tích nào của Chúa mà chính ngôi mộ trống của Ngài.

Cách đây khoảng hơn 30 năm, tại Cát-sơ-mia, một tiểu bang phía bắc Ấn Ðộ, đã xảy ra một cuộc náo động, đưa đến kết quả hàng trăm người phải bỏ mạng mà nguyên do chỉ vì một sợi tóc.

Trong một ngôi đền Hồi-giáo tại đô thị Xít-ri-na-ga, có một chai bằng thủy tinh bọc bạc, đặt trong một hộp bằng gỗ ba lớp, chiếc hộp ấy để trong một phòng kín hơn hết, phía trong bốn phòng kín, ngày đêm luôn luôn có bốn người canh gác. Trong chiếc chai thủy tinh bọc bạc kia đựng một sợi tóc nâu mà người ta tin là tóc của Muhammad, vị giáo chủ Hồi-giáo. Vào những ngày thánh lễ, người ta đem sợi tóc nâu ấy ra cột vào một sợi dây choàng quanh thắt lưng của một trong năm người anh em họ Bân-đê, là những người được xem như những kẻ duy nhất có quyền gìn giữ thánh vật. Người này đem sợi tóc ấy ra đưa lên cao cho thiện nam tín nữ từ khắp nơi đến chiêm bái. Nhưng rủi thay, đầu năm ấy, khi hàng vạn khách hành hương đến Xít-ri-na-ga thì mới hay là sợi tóc thánh ấy đã bị người đánh cắp.

Tất cả tín đồ Hồi-giáo đều treo cờ tang và khóc lóc thảm thiết. Sau đó thái độ buồn bã đã biến thành căm thù và họ đã xông vào nhà những người Ấn-độ-giáo để cướp phá và giết chóc. Cảnh náo động ấy lan tràn ra đến các đô thị khác của Ấn Ðộ như Bombay, Calcutta... làm cho hàng trăm người chết. Chính phủ Ấn Ðộ đã phải phái những thám tử trứ danh đến tận chỗ để điều tra và rốt cuộc đã tìm lại được sợi tóc thánh. Bấy giờ cảnh tang chế mới biến thành cảnh liên hoan, người ta reo hò nhảy múa ngay cả ngoài công lộ.

Câu chuyện này khiến chúng ta liên tưởng đến điểm khác nhau giữa các tôn giáo và Cơ-đốc-giáo. Phần nhiều những tôn giáo khác lấy làm tự hào về những tàn tích như răng, tóc, râu, đốt xương, v.v... mà người ta cho là đã tìm thấy nơi thi thể các vị giáo chủ của mình. Người ta cung kính thờ lạy các vật ấy và xem như những thánh tích, thánh vật.

Cơ-đốc-giáo thì trái hẳn. Ðiều mà các môn đồ của Chúa Giê-su lấy làm tự hào, không phải là một thánh tích nào của Chúa Giê-su nhưng chính là ngôi mộ trống của Ngài. Ngôi mộ trống mà những người đàn bà yêu thương Chúa đến thăm mộ Ngài sớm nhất phát hiện, và được vị thiên sứ bảo: “Hãy đến xem chỗ Ngài đã nằm; và hãy đi mau nói cho môn đồ Ngài hay rằng Ngài đã từ kẻ chết sống lại” (Ma-thi-ơ 28:6b-7a).

Rồi từ đó đến nay theo thời gian nhiều người khác cũng đã đến xem. Cho nên ngôi mộ trống của Chúa không phải chỉ nằm trong Kinh Thánh hoặc trong óc tưởng tượng của các tín đồ, nhưng nó đã đi vào lịch sử của nhân loại và hiện vẫn còn sờ sờ trên thánh địa Do Thái. Ngôi mộ trống ấy nói lên rằng Chúa Giê-su không phải chỉ là một con người thôi, mà Ngài cũng là Con Trời nữa. Chúa đã vào đời để chịu chết trên thập tự giá làm phương pháp cứu chuộc tội nhân, nhưng không chết luôn mà đến ngày thứ ba Ngài đã từ cõi chết sống lại, sau đó thì thăng thiên trước sự chứng kiến của nhiều người.

Một văn hào hiện đại nguời Anh, tên là C. S. Lewis có viết rằng: “Chúa Giê-su có tuyên bố Ngài có quyền tha tội và sẽ làm Thẩm phán xét xử toàn thể nhân loại. Như vậy, nếu Ngài không phải là Ðức Chúa Trời Ngôi Hai để làm đúng những điều Ngài nói, thì Ngài là con người ngông cuồng.” Văn hào C. S. Lewis vốn là một văn sĩ vô thần và đã viết câu ấy, cũng đã nghiên cứu Thánh Kinh để tìm chân lý, đã công nhận Chúa Giê-su thật đã sống lại, và ông đã đặt niềm tin vào Chúa.

Chúa đã sống lại, sự phục sinh là nền tảng đức tin của người Cơ-đốc, nhưng cũng là trọng điểm để nhiều người tấn công, vì được coi là then chốt của các vấn đề. Cuộc tấn công quan trọng nhất xảy ra cách đây mấy chục năm, do một luật gia người Anh thực hiện. Người này cho rằng phục sinh chỉ là chuyện ngụ ngôn hoang đường, nhưng đã trở thành nền móng cho niềm tin Cơ-đốc. Vì vậy ông đã quyết tâm mở cuộc nghiên cứu điều tra thật tường tận để chứng minh cho thế giới biết rằng chuyện phục sinh là lừa bịp và mê tín dị đoan.

Vốn là một luật gia, người này đã cân nhắc tất cả những sự kiện và chỉ chấp nhận những gì có thể đưa ra bằng chứng trước toà án hiện đại. Tuy nhiên, trong thời gian nghiên cứu như vậy ông thấy rằng việc làm này không phải là dễ. Ông đã viết một cuốn sách, không phải là để chứng minh không làm gì có sự phục sinh, nhưng để xác nhận rằng Chúa Giê-su thực sự đã sống lại. Cuốn sách của người mang tựa đề là “Ai Ðã Lăn Tảng Ðá Ði?” và nguời luật sư ấy là Frank Morison.

Khoảng hơn 10 năm về trước, người ta báo tin là đã tìm ra được những mảnh xương một vị giáo chủ. Những mảnh xương ấy đã được đưa về một trong những thành phố gọi là thánh địa của Ấn Ðộ. Người ta tổ chức những cuộc lễ vô cùng long trọng để cung nghinh và chiêm bái. Trước quang cảnh ấy, một Mục sư đã phát biểu ý kiến với một bạn hữu của mình rằng: “Nếu người ta tìm ra được một mảnh xương của Chúa Cứu Thế Giê-su, thì Cơ-đốc-giáo chắc sẽ sụp đổ.”

Và thật vậy, vì nếu Chúa Giê-su không sống lại từ cõi chết, Cơ-đốc-giáo chỉ là một món đồ cổ trưng bày trong bảo tàng viện mà thôi, không hơn không kém. Cơ-đốc-giáo trở thành một tư tưởng hay, đẹp, hoặc là một triết lý sống mới, dần dần mai một theo thời gian, không đáng bàn đến nữa. Những người chịu tử đạo vì lòng tin, bị thú dữ xé xác tại các đấu trường La Mã khi xưa hay là những người hi sinh mạng sống đem Phúc Âm đến cho những dân tộc dã man, đã trở thành những kẻ điên cuồng dại dột đáng thương hại hơn hết. Vì họ bị lừa gạt, tưởng đi theo Chúa sống mà Chúa ấy đã chết.

Giả như Chúa Giê-su bị hành quyết trên thập tự giá rồi chết, không có gì xảy ra nữa, thì Chúa có khác gì triết gia Socrates, Platon hay Khổng Tử đâu? Nếu Chúa không sống lại, thì Chúa Giê-su chỉ là một nhân vật lỗi lạc trong lịch sử, nhưng không thể là Chúa Cứu Thế, người ta còn nhớ đến Chúa làm gì nữa? Dù rằng chúng ta có những lời răn dạy của Chúa cũng như gương sáng của Ngài, nhưng Chúa không sống lại, cũng không ích gì? Vì nếu chỉ có một ít bài giảng và gương sáng hi sinh thì có đủ cho hằng triệu người tin Chúa qua 20 thế kỷ và vẫn còn tiếp tục tin Chúa hay không? Nếu Chúa không sống lại, Chúa sẽ không về trời và cũng sẽ không tái lâm, cuộc hi sinh của Chúa như thế là vô ích?

Thưa quý vị! Sinh, Lão, Bệnh, Tử là bốn cái khổ thường tình của con người không ai mà tránh khỏi được. Là người có sinh thì phải có tử. Nên người ta có ngày sinh, tức là sinh nhật và rồi thì ngày tử. Tử đánh dấu giây phút cuối của cuộc đời, tử là chấm dứt. Ðối với người “chết là hết!” Nhưng trong lịch sử của nhân loại có một người đã chết nhưng chết chưa hẳn là hết, người ấy chẳng những có ngày sinh và ngày chết, mà còn có ngày sống lại nữa. Người ấy không ai khác hơn là Chúa Cứu Thế Giê-su.

Vâng, đúng vậy! Khi nói đến Chúa Cứu Thế Giê-su chúng ta chớ quên liên tưởng đến hai biến cố quan trọng, cho thấy cuộc đời của Ngài khắc hẳn với tất cả mọi người, mọi thánh nhân, giáo chủ trên trần gian này. Thứ nhất, là việc Chúa từ cõi trời giáng thế xuống trần làm một người, để chịu hi sinh làm sinh tế chuộc tội lỗi cho cả nhân loại trước Ðức Chúa Trời. Thứ hai, là Chúa đã phục sinh, nghĩa là từ cõi chết sống lại, mở ra một kỷ nguyên mới cho một nhân loại mới. Do đó, mỗi năm nhân loại đều có ngày tưởng niệm đến cuộc hi sinh của Chúa và sự phục sinh của Ngài.

Sự thật Chúa Giê-su sống lại không phải chỉ là một sự kiện ghi lại trong lịch sử, trong sách vở, như việc Hưng Ðạo Ðại Vương đuổi quân Mông-cổ, việc vua Lê Thái Tổ giải phóng Việt Nam khỏi ách đô hộ của người Trung Hoa mà còn là một thực sự sống liên tục, ảnh hưởng đến mọi dân tộc thuộc các thời đại và chi phối cuộc sống hàng ngày của người nào đặt trọn niềm tin nơi Chúa Cứu Thế.

Việc Chúa Giê-su sống lại là biến cố lớn nhất trong lịch sử nhân loại và Cơ-đốc-giáo. Tuy nhiên, việc Chúa sống lại có quan hệ đến mỗi chúng ta hay không ấy là quan trọng! Chúa Giê-su đã sống lại và đã thật sự biến đổi nhiều người, nhiều người tin Chúa Phục Sinh đã kinh nghiệm được Chúa đã thật sự sống trong cuộc đời họ, cho họ niềm vui, bình an và hy vọng. Thật là một phước hạnh lớn lao! Hôm nay, nhân dịp toàn thế giới một lần nữa kỷ niệm ngày Chúa Phục Sinh, tôi xin thưa với quý vị là, Chúa Phục Sinh thật sự đi vào cuộc đời của quý vị chưa? Nếu chưa thì hãy mời Chúa đến bằng cách tin nhận Ngài. Tin nhận Chúa đã thật sự sống lại, và mời Ngài làm Chủ, làm Chúa của cuộc đời quý vị. Rồi quý vị sẽ thấy được một kinh nghiệm mới lạ lùng chưa từng có, dần đi vào cuộc đời của quý vị, mà quý vị không thể diễn tả cho đủ bằng lời, mà chỉ cóthể cảm nhận được qua kinh nghiệm tiếp nhận Chúa vào lòng mà thôi!

Mục sư Ức Chiến Thắng

Related link

Latest Features

Weather

May - 2025
SMTWTFS
    123
45678910
11121314151617
18192021222324
25262728293031
       

Facebook comments