Gia Dinh Gieo Giong

BỔN PHẬN CỦA CHA MẸ VỚI CON CÁI

ĐỀ TÀI: BỔN PHẬN CỦA CHA MẸ VỚI CON CÁI
KINH THÁNH: PHỤC TRUYỀN 6:1-25
NHẬP ĐỀ:
Ý muốn của Đức Chúa Trời là Ngài thiết lập gia đình, Ngài quan tâm đến hệ thống, cơ cấu và tổ chức gia đình, Ngài xây dựng gia đình theo những tổ hợp không riêng rẽ ra. Mỗi gia đình có những cách sinh hoạt riêng tuy nhiên về cơ bản thì họ phải được mệnh lệnh là phải hiệp làm một lại với nhau.

Chúa Giê-xu phán: “Nếu một nước tự chia nhau, thì nước ấy không thể còn được; Lại nếu một nhà tự chia nhau, thì nhà ấy không thể còn được.” ( Mác 3:24-25)

Chúng ta thấy khi Chúa hủy diệt loài người trong sách Sáng-thế-ký, Thánh Kinh ghi lại chỉ có gia đình nhà Nô-ê là được cứu, gia đình gồm có 8 người được cứu khỏi cơn nước lụt.

Mặc dù Thánh Kinh ghi rằng: chỉ duy có Nô-ê là người công bình, Thánh Kinh không nói: Gia đình nhà Nô-ê là gia đình công bình, nhưng chỉ có một mình Nô-ê là người công bình thôi. Còn vợ ông thì sao, con trai của ông thì sao? Con râu của ông thế nào? Thánh Kinh không ghi lại điều gì cả. Nhưng cả gia đình nhà Nô-ê đều được cứu rỗi.

Sứ đồ Phao lô nói trong sách Công vụ 16:31 khi ông nói với người đề lao cai ngục lúc bấy giờ rằng: “Hãy tin Đức Chúa Jêsus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi.”
Quý vị có thấy chữ cả nhà không, không phải là một người, một thành viên mà Chúa muốn cả gia đình chúng ta, vợ chúng ta, chồng chúng ta, con trai, con gái của chúng ta, râu dể, cháu chắt của chúng ta được đều phải được cứu rỗi.

Chúng ta thấy trong sách Công-vụ cả gia đình nhà Cọt nây, cả gia đình được cứu.

Trong Thi-thiên 128 đây là chỗ đề cập đến những thành viên trong một đại gia đình như vợ ngươi và con cái ngươi sẽ hưởng phước hạnh của Chúa. Điều đó cho thấy Chúa rất quan tâm đến sự cứu rỗi của cả gia đình, Ngài rất quan tâm đến hạnh phúc của con cái chúng ta.

Trong sách Phục-truyền-luật-lệ-ký 6:1-2 Môi-se khuyên răn, căn rặn những bậc làm cha mẹ phải quan tâm đến con cái, không phải quan tâm đến cái ăn, cái mặc, chỗ ở hay học hành của con cái mà thôi. Nhưng điều đặc biệt hơn cả là phải quan tâm đến đức tin của con cái, quan tâm đến linh hồn của con cái chúng ta, mong sao cho nó ở trong đường nối Chúa và chúng nó hưởng được sự cứu rỗi đời đời từ nơi Chúa.

Thường chúng ta chỉ quan tâm đến nhu cầu: như ăn uống, xe cộ, ăn mặc, rồi đến công việc của con cái, dựng vợ, gả chồng cho con cái mà không hề quan tâm đến đức tin của con mình, đến linh hồn của con cái mình vậy.

Thưa quý vị! Chúa Giê-xu phán: “Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì?” ( Mác 8:36)

Chúa đã kể một ví dụ trong Phúc-âm Luca, kẻ dại đã tự nhủ và nói rằng: “Ta phá cả kho tàng và cất cái khác lớn hơn, thâu trữ sản vật và gia tài vào đó; 19 rồi sẽ nói với linh hồn ta rằng: Linh hồn ơi, mầy đã được nhiều của để dành dùng lâu năm; thôi, hãy nghỉ, ăn uống, và vui vẻ. 20 Song Đức Chúa Trời phán cùng người rằng: Hỡi kẻ dại! Chính đêm nay linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại; vậy những của cải ngươi đã sắm sẵn sẽ thuộc về ai? 21 Hễ ai thâu trữ của cho mình mà không giàu có nơi Đức Chúa Trời thì cũng như vậy.” ( Luaca 12: 18-21)

Lập kế hoạch cho tuổi về hưu - chuẩn bị cho đời sống trước khi chết - là khôn ngoan, nhưng bỏ qua sự sống sau khi chết là điều tai hại. Nếu bạn thu chứa của cải chỉ để làm giàu cho riêng mình mà thôi, chẳng quan tâm gì đến việc giúp đỡ tha nhân, thì bạn sẽ vào cõi vĩnh hằng với hai bàn tay trắng.

Sứ đồ Phao lô nói với các tín hữu sống tại thành phố Cô-rinh-tô rằng: “Nếu chúng ta chỉ có sự trông cậy trong Đấng Christ về đời nầy mà thôi, thì trong cả mọi người, chúng ta là kẻ khốn nạn hơn hết.” ( I Cô-rinh-tô 15:19)

Câu chuyện: Một ông vua nọ kia chết, cho đục một cái quan tài với hai cái lỗ để thò hai bàn tay ra ngoài, và kéo đi khắp thành phố và kêu lên rằng: Hai bàn tay trắng chào đời thế nào thì cũng hai bàn tay trắng mà trở về thể ấy.

Ước mong, tôi và quý vị hãy xây dựng con cái gắn chặt với Nước trời chứ không phải gắn chặt với trần thế tạm bợ, chóng qua này.

Linh hồn của con cái là giá trị hơn cả tài sản của chúng ta đang có, sự sống của con cái lớn hơn cả kế hoạch tương lai phía trước của chúng ta. Bạn có thể cho con mọi sự nhưng có một điều bạn không thể cho con được đó là: Sự sống của con mình. Sự sống là điều chỉ đến và do Đức Chúa Trời ban cho mà thôi.

Chính vì vậy, mà tác giả của sách Truyền-đạo đã khuyên những người trẻ rằng: “Phải nghĩ đến Đấng Tạo Hóa trong những ngày còn niên thiếu, trước thời kỳ khó khăn, khi những năm nặng nề đến trong đời mình, là thời gian ánh sáng mặt trời, mặt trăng và các tinh tú trở nên lu mờ trong mắt, bầu trời như đầy mây chằng đen kịt.”

Bạn và tôi có nghĩ đến mối quan của con cái mình với Chúa, con cái của quý vị đã có mối quan hệ với Đức Chúa Trời chưa? Nếu chưa có thì Thánh Kinh bảo rằng chúng ta phải nghĩ đến trước thời kỳ khó khăn, và đen tối ập đến.

Khi Chúa tái lâm, Ngài sẽ không đem những của cải, sự nghiệp của chúng ta đi đâu, xe máy, nhà cửa, tiền bạc, sự nghiệp của quý vị phải bị bỏ lại hết. Ngài sẽ tiếp rước những người có Ngài lên cùng Ngài. Ngài sẽ tiếp rước con cái của quý vị đi lên cùng với Ngài.
Lời Chúa có chép trong sách Châm ngôn 22:6 rằng “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; Dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó.”
So sánh với Phục-truyền 6:6-7“khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chỗi dậy.” ( Phục truyền 6:6-7)
Chữ “ dạy dỗ” trong Kinh Thánh có nghĩa là “ huấn luyện” cha mẹ huấn luyện, đào tạo, dạy dỗ, uốn nắn con cái chứ không phải là la mắng, chửi bới, gậy gộc, quát tháo, ầm ĩ.
Sứ đồ Phao lô khuyên các bậc làm che mẹ đừng đối xử cay nghiệt với con cái, ông nói trong thư tín Cô-lô-se 3:21  rằng: “Hỡi kẻ làm cha, chớ hề chọc giận con cái mình, e chúng nó ngã lòng chăng.”
Khi so sánh các bản dịch của Thánh-Kinh thì chúng ta sẽ thấy gần gũi, dễ hiểu hơn. Các bản Thánh Kinh khác dịch là:
Co 3:21   21 Cha mẹ đừng trách mắng con cái quá nặng nề, khiến chúng nản lòng.
[HĐ]
Co 3:21   21 Bậc làm cha, không nên cau có với con cái mình vì nếu anh em quá khó tính, chúng nó sẽ bỏ cuộc.
[PT]
Như vậy, Phao lô khuyên những người làm cha trong câu Kinh Thánh này là đừng ở cay nghiệt với con cái, đứng trách mắng con cái quá nặng nè, đừng cau có, quá khó tính kẻo e con cái nản lòng, bỏ cuộc.
Ngày nay, nhìn vào gia đình chúng ta và xã hội chúng ta đang sống: Rất ít các gia đình dạy con cách phải lẽ, thường là những người làm cha, quá nặng nề, quá khó tính khiến các con cái nó chán nản, ngã lòng sinh ra nhiều hệ lụy như sa vào các tệ nạn trong xã hội.
Minh họa: Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nhiều đổ vỡ, tổn thương từ người bố của mình, ông chỉ dạy chúng tôi lúc ông say rượu, còn lúc tỉnh thì ông chửi bới, quát tháo ầm ĩ.
Đó không phải là mô hình dạy dỗ của Thánh Kinh, đó không phải là gương mẫu để chúng ta noi theo học hỏi.
Bạn và tôi có nhiệm vụ phải uốn nắn, huấn luyện con cái theo đường nối của Chúa, là gia đình Cơ đốc có Chúa làm chủ, chúng ta phải dạy dỗ, khuyên lơn, uốn nắn con cái mình theo đường nối Chúa.
Chúng ta có thể huấn luyện, chỉ bảo, khuyên lơn, uốn nắn con cái bằng cuộc sống thực tế, cho con làm những gì chúng ta làm. Chúng ta dạy con bằng những kinh nghiệm thực tế của đời sống chúng ta.
Minh họa: Lúc còn nhỏ, bố tôi đã huấn luyện một con bò mới lớn để nó biết cày, bố tôi dạy nó biết cày bằng cách bắt tôi dắt nó, đi trước nó theo từng luống cày. Và một thời gian sau, con bò nhà tôi biết cày thẳng luống mà không cần tôi dắt hay đi trước nó nữa.
Bố tôi dạy tôi cách cày, bừa bằng cách cho tôi đi theo cầm cày và ông đã đi sát bên tôi chỉ cho tôi cách đặt cày thế nào, nghiêng cày về đâu, cầm cày thế nào. Và cuối cùng tôi đã biết cày.
Minh họa: Ngày xưa lúc tôi chưa biết cấy, mẹ tôi đã căng dây từ bờ này sang bờ bên kia trong một góc nhỏ của đám ruộng và tôi cứ cấy ở trong cái ô có chăng dây đó để không bị lệnh hàng, siêu vẹo. Cuối cùng tôi đã cấy thẳng hàng mà không cần căng dây nữa.
Đó chính là cách huấn luyện con cái mà Kinh Thánh nói đến.
Bạn và tôi huấn luyện con cái bằng rất nhiều cách: Nhưng có hai cách huấn luyện con cái tốt nhất đó là: dạy dỗ con cái bằng Lời Đức Chúa Trời và huấn luyện con cái bằng cách chính mình làm gương.
Thứ nhất, dạy con cái bằng Lời của Chúa.
I.                Dạy Con Cái Bằng Lời của Chúa

Lời Chúa trong Phục-truyền 6: 1-2 có chép “Vả, nầy là điều răn, luật lệ và mạng lịnh mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi đã phán dặn ta dạy lại cho, để các ngươi làm theo nó trong xứ mà các ngươi sẽ đi vào nhận lấy; 2 hầu cho ngươi kính sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, trọn đời, ngươi và con cháu ngươi vâng giữ các luật lệ và điều răn của Ngài mà ta truyền cho ngươi, để ngươi được sống lâu ngày.”

Đức Chúa Trời đã rút và giải thoát dân Y-sơ-ra-ên bằng cách tay quyền năng của Ngài ra khỏi nhà nô lệ Ai-cập.
Lúc này, hành trình của họ là tiến về miền đất hứa, màu mỡ đượm sữa.

Trong khi họ phải băng qua sa-mạc đầy khô hạn, thì Chúa đã cho hòn đá vọt lên dòng nước cho họ uống. Trong khi họ đói Chúa đã mưa ma-na xuống cho họ.

Trên đường họ trở về miền đất hứa đó, lúc này, số lượng người cả già trẻ lớn bé là khoảng hơn ba triệu người, họ có người, họ có đất, nhưng họ chưa có luật pháp, họ sống phóng túng, cuối cùng Ngài đã ban cho họ bảng mười điều răn và các luật lệ để hướng dẫn họ cách sống và chỉ đường cho họ.

Điều gì xảy ra, khi đoàn dân đông đúc như thế mà không có một luật lệ nào quy định, hướng dẫn, chỉ đường chắc chắn họ sống buông thả, và vô trách nhiệm về mọi hành động, việc làm của mình.

Chính vì vậy mà, khi dân Y-sơ-ra-ên được Chúa cho đặt chân vào trong xứ hứa rồi thì họ phải có bổn phận giữ gìn các luật lệ, và điều răn, mạng lệnh của Ngài.

Họ không được quên lời dạy của Chúa trên đời sống họ, cho con cháu của họ.
Thông qua Môi-se Chúa khuyên bảo họ rằng: “Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi; 7 khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chỗi dậy.” ( Phục truyền 6:6-7)

Quý vị chú ý đến cụm từ “ khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi”

Chúa muốn những người cha người mẹ của Y-sơ-ra-ên phải chăm chỉ huấn luyện, uốn nắn, khuyên lơn không phải bằng những hệ thống, triết lý, giáo điều suông, khôn ngoan riêng của đời này. Nhưng huấn luyện, uốn nắn, khuyên lơn con cái bằng chính lời của Chúa.


Chữ “ điều răn, luật lệ, và mạng lịnh trong câu 1-2 đó là cụm từ chỉ chung về Lời của Đức Chúa Trời.

Minh họa: Sứ đồ Phao-lô khen ngợi Ti-mô-thê rằng: “ từ khi con còn thơ ấu đã biết Kinh thánh vốn có thể khiến con khôn ngoan để được cứu bởi đức tin trong Đức Chúa Jêsus Christ.” (IITi 3:15)

Ti-mô-thê từ khi còn thơ ấu đã biết Kinh Thánh, vậy ai dạy Kinh Thánh cho Ti-mô-thê đó là mẹ của ông và bà nội của ông. Họ đã đào tạo cho con của mình một nền giáo dục thuần khiết là Lời của Chúa. Họ đã uốn nắn, dạy dỗ, huấn luyện cho Ti-mô-thê bằng chính Lời của Đức Chúa Trời.

Vào thời đó, Kinh Thánh Tân Ước chưa được viết ra, lúc đó chỉ có Kinh Thánh Cựu ước thôi. Và Lời Chúa đã làm cho Ti-mô-thê lớn lên trong đức tin, và Lời Chúa khiến cho ti-mô-thê có được sự khôn ngoan của Chúa.
Đây chính là khuôn mẫu, mô hình mà mỗi gia đình Cơ đốc chúng ta nên học tập, noi theo.

Kinh Thánh dạy rằng: Chúng ta phải có bổn phận dạy dỗ con cái bằng chính Lời của Đức Chúa Trời.
Câu số 7 chỉ cho chúng ta phương pháp dạy dỗ con cái tốt nhất như sau:
“ khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chỗi dậy.”

Chữ “ nói ” ở đây có nghĩa là cảnh tỉnh, công bố: quý vị và tôi có nhiệm vụ là phải công bố ra lời của Đức Chúa Trời.
Phải tỉnh thức cho con cái mình bằng Lời của Đức Chúa Trời mỗi khi nó yếu đuối và sa ngã , phạm tội.

Làm sao quý vị có thể nói ra, công bố ra lời của Chúa khi quý vị ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc nằm, hay là khi thức dậy?

Một loạt các động từ như ngồi trong nhà, đi ngoài đường, lúc nằm, hay khi thức dậy là vượt qua cái danh giới phạm trù ở nhà thờ, hay ở trong Hội Thánh.

Điều này có nghĩa là Lời Chúa phải là máu thịt chảy trong lòng chúng ta, điều này cho thấy một người kính sợ Chúa không phải chỉ kính sợ Chúa khi ở trong nhà thờ, còn ở nhà thì ngỗ ngược.

Điều này cho thấy người yêu mến Đức Chúa Trời thật sự dù người ấy ở trong Hội Thánh cũng như ở nhà.

Điều này cho thấy người ấy đã đặt để Lời Chúa một vị trí cao nhất trong đời sống của mình.

Điều này cho thấy người này để cho Lời Chúa chi phối, chiễm hữu mọi lĩnh vực trong đời sống của mình.

Có bao giờ, chúng ta kinh nghiệm được dòng chảy tươi mới của Lời Chúa khi ở trong Hội Thánh, khi đi trên đường, hay là ở trong đồng ruộng hoặc khi nằm, hay khi thức dậy Chưa?

Trong Giô-suê 1: 8 Đức Chúa Trời cũng chỉ dẫn cho Giô-suê một nhà lãnh đạo trẻ tuổi biết đường đi, biết cách lãnh đạo dân sự của Chúa.
Chúa đưa ra một khuôn mẫu trong vai trò lãnh đạo của Giô-suê, đây chính là khuôn mẫu của mỗi gia đình chúng ta, đây chính là gương mẫu cho người chủ trong gia đình.

“Quyển sách luật pháp nầy chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước.”

Người cha, người mẹ trong sách Phục truyền đoạn 6 không phải là người nói lời Chúa với lý thuyết suông, sáo rỗng, nhưng nói ra, công bố Lời Chúa ra từ trong máu thịt, trong lòng của mình.

Câu 6 có ghi “Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi;”
Chữ “ ngươi” trong câu số 6 là nói đến các bậc làm cha mẹ.

Một người có thể nói về Lời Chúa trong mọi lúc, mọi nơi như vậy, chắc chắn phải là người có đời sống mật thiết với Chúa, mật thiết với Lời Chúa lắm. Người ấy ăn với Lời Chúa, sống với Lời Chúa, ngủ với Lời Chúa, đi với Lời Chúa.

Minh họa: Bạn không thể dạy dỗ con cái bằng Lời Chúa được nếu trong lòng bạn không có Lời của Chúa. Bạn không thể giảng cho người khác nếu bạn không có Lời Chúa.

Trong Thánh Lễ tiệc thánh: sứ đồ Phao lô nói: Vả, tôi có nhận nơi Chúa điều tôi đã dạy cho anh em. Phao lô nói rằng: Tiệc Thánh là Phao lô đã nhận trực tiếp từ nơi Chúa Giê-xu rồi sau đó ông mới truyền dạy cho người khác.
Trước khi bạn có thể truyền cho người khác thì trước hết bạn phải nhận đã.
Nếu bạn không nhận Lời Chúa trực tiếp thì bạn không thể dạy dỗ cho con cái của mình được.

Viết ra các lời ấy trên cột nhà, trên cửa nhà

Minh họa: Bà gái Cường mua câu gốc về treo trong nhà, mua áo có in hình câu gốc.Trước bàn uống nước, trước bàn làm việc, trước bàn ăn, chúng ta nên viết câu gốc và dán vào trước mặt để chúng ta tiếp xúc thường xuyên với Lời Chúa, nhớ Lời Chúa và rồi Lời Chúa dần dần thấm vào lòng chúng ta.

Lời Chúa không phải chỉ treo, viết, dán trên cột nhà mà thôi. Điều đó rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả là phải để Lời Chúa trong lòng mình.

Minh họa: Khi Chúa phán với Môi-se lên trên núi để cầm theo hai bảng đá lên núi. Môi-se lớn tuổi, một ông già với biết bao khó nhọc, vất vả phải đục đẽo hai bảng đá, và phải mang hai bảng đá đó lên trên núi. Rồi chính ngón tay Đức Chúa Trời đã viết lên trên hai bảng đá đó mười điều răn của Ngài.
Và khi ông đem xuống núi, thấy dân chúng phạm tội thờ hình tượng con bò vàng, ông đã tức giận đập vỡ hai bảng đá đó.

Cuối cùng lại phải đục hai bảng khác rồi mang lên núi.
Nhưng vào thời của chúng ta, Đức Chúa Trời không viết Lời Ngài trên bảng đá nữa, vì đá cứng nhưng có thể vỡ. Để không vỡ Đức Chúa Trời đã viết trên một chất liệu khác đó là: Tấm Lòng của chúng ta.

Giao ước thứ nhất có khuyết điểm. Vậy, giao ước thứ hai thì sao? Giao ước thứ hai là giao ước mới (Hê. 8:7, 13). Giao ước mới được thiết lập dựa trên những lời hứa tốt hơn (Hê. 8:6). Giao ước mới không được viết trên bảng đá, mà được viết trên bảng lòng bằng thịt (2 Cô. 3:3). Giao ước mới truyền luật pháp của Đức Chúa Trời vào trong tâm trí con người và ghi khắc luật pháp vào lòng người (Hê. 8:10).


II.   Thuật lại cho con cái về ơn giải cứu của Chúa và quyền năng của Ngài. ( Phục 6: 20-24)
Là người theo Chúa, chúng ta là cha mẹ phải có cái gì đó giữa chúng ta với Chúa để thuật lại cho con cái của mình.

Thuật lại cho con cái của mình những kinh nghiệm sự gặp gỡ Chúa làm sao. Chúa thay đổi thế nào về đời sống của mình.
Minh họa: Thường chúng ta làm chứng về cuộc đời của chúng ta cho người ngoài, chúng ta làm chứng về Chúa đã thay đổi mình thế nào cho mọi người xung quanh hơn là cho con cái của mình.
Nếu một mai con cái chúng ta nó hỏi mình rằng: Tại sao bố mẹ lại tin Chúa, bố mẹ tin Chúa để làm gì? Thì mình sẽ trả lời con mình thế nào?

Nếu con cái chúng ta nó hỏi chúng ta tại sao bố mẹ tuần nào cũng phải đi học Lời Chúa để làm gì? Con cái nó bảo rằng Kinh Thánh là quyển sách xưa lắm rồi, cũ lắm rồi, đã bị lỗi thời rồi con tin và học làm gì chúng ta sẽ trả lời với con cái mình ra sao?



Liệu chúng ta có từng trải nào với Chúa để kể lại cho con không? Liệu chúng ta có kinh nghiệm gì với Chúa để kể lại cho con không? Đời sống chúng ta có được Chúa thay đổi để trở thành chứng tích nói cho con về quyền năng của Chúa trên đời sống mình hay không?

Related link

Latest Features

Weather

April - 2025
SMTWTFS
  12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
27282930   
       

Facebook comments