Gia Dinh Gieo Giong

Giáo lý Thánh Kinh: Bài 10 - Sự kiện Phục sinh

            

I.                  PHỤC SINH LÀ SỰ KIỆN LỊCH SỬ
Tôi trích dẫn câu nổi tiếng của Thánh Phao-lô: “Lại nếu Đấng Christ đã chẳng sống lại, thì sự giảng dạy của chúng tôi ra luống công, và đức tin anh em cũng vô ích.” ( ICo 15:14)

Bản dịch của Công Giáo dịch là: “Nếu kẻ chết không sống lại, thì Ðức Kitô cũng đã không sống lại. Mà nếu Ðức Kitô đã không sống lại, thì lời giảng của chúng tôi sẽ nên trống rỗng, và Ðức Tin của anh em cũng ra trống rỗng.”

Câu này cho chúng ta thấy cái cốt lõi của đạo Tin Lành, câu này cũng cho thấy tính trung tâm của mầu nhiệm Chúa Jêsus Phục Sinh.

Trong tất cả các lễ thì lễ Phục Sinh là lễ lớn nhất. Nhưng trong thực tế người ta cứ chạy theo giáng sinh, giáng sinh mà không có Phục Sinh thì đạo của Chúa chỉ là đạo chết và lý thuyết như các tôn giáo khác.

Giáng Sinh có vẻ vui hơn, giáng sinh có vẻ tổ chức long trọng hơn, giáng sinh thu hút người ta hơn.

Từ góc độ đức tin thì lễ Phục sinh là quan trọng nhất.
Trước hết, chúng ta cần nhìn nhận rằng Phục Sinh như là một sự kiện lịch sử, khi nói Phục sinh như là một sự kiện lịch sử tức là muốn nói một sự kiện đã thực sự xảy ra trong lịch sử của nhân loại.

Thì mình phải dựa vào những mấu chốt nào để minh chứng?
1.    NGÔI MỘ TRỐNG
Kinh Thánh: Cả bốn sách Phúc âm đều đề cập đến sự kiện trọng đại này: Mat 28:1-8; Mác 16:1-8; Luca 24:1-10; Giăng 20:1-10.
Tất cả bốn sách Phúc âm đều nói đến sự kiện ngôi mộ trống.
Khi Chúa Jêsus chết trên thập giá, người ta hạ xác Ngài xuống rồi sau đó chôn táng trong mồ.

Người Do-thái không chôn kẻ chết giống như Việt Nam, Việt Nam chúng ta thường đào huyệt rồi hạ quan tài xuống, lấp đất thế là chôn. Bây giờ không còn chỗ nữa thì mình hỏa táng.

Bên Thượng Hải người ta còn rắc tro ở ngoài biển hoặc trên sông. Ở đất liền chỗ càng ngày càng khó cho nên người ta đã thủy táng.
Người Do-thái thì người ta không làm như vậy, người Do-thái sống ở những vùng núi non, họ tìm những cái hốc đá rồi đặt người chết vào trong đó và lấy tảng đá lớn đậy ở bên ngoài.

Cái tảng đá lớn che kín ở bên ngoài nó mang một nội dung, một ý nghĩa đó là quyền lực của thần chết, đã nằm ở trong đó rồi thì không có đường nào mà ra được nữa, quyền lực của thần chết.

Khi chúng ta hiểu như vậy thì cái tảng đá trước ngôi mộ của Chúa Jêsus bị lăn ra khỏi cửa mồ, rồi có thiên sứ đứng ở trên tảng đá. Tất cả những sự kiện đó mà tin mừng kể lại nó đều có ý nghĩa chứ nó không chỉ đơn giản là một sự kiện.

Chúng ta có thể tìm gặp trong tất cả bốn sách Tin-lành về câu chuyện về ngôi mộ trống.
Trên bình diện tự nhiên thì sự kiện ngôi mộ trống chưa thể tự nó chứng minh được là Chúa Jêsus đã sống lại từ cõi chết. Tự nó chưa thể chứng minh được.

Tại sao vậy? là bởi vì người ta có thể đưa ra nhiều cách giải thích. Ngay cả bà Ma-ri-ma-đơ-len khi bà ấy đến mộ từ sáng sớm mục đích là để xức dầu thơm cho xác Chúa Jêsus.
Mà bà ấy thấy xác Chúa không còn nữa thì bà ấy có nghĩ là Chúa sống lại không? Không mà bà ấy nghĩ là người ta đem xác thầy đi đâu rồi.
Thánh Ma-thi-ơ còn kể cho chúng ta một chi tiết nữa là vào thời bấy giờ khi xác Chúa Jêsus không còn ở trong ngôi mộ đó nữa thì những nhà lãnh đạo tôn giáo Do thái họ hoảng loạn và sai lính đi phao tin rằng: Ban đêm, các môn-đệ của Ngài đã ăn cắp xác thầy rồi phao tin rằng thầy mình đã sống lại.

Người ta chôn Chúa Jêsus ở trong đó, người ta lấy tảng đá lớn người ta chắn ở ngoài, có khi người ta còn niêm phong nữa rồi có lính canh gác nữa vào lúc đó các môn-đệ của Chúa Jêsus ông nào ông đấy chạy ba chân bốn cẳng rồi chứ còn ai đâu nữa mà dám mò đến mà ăn cắp.

Nhắc lại sự kiện đó để biết rằng tự nó ở ngôi mộ trống chưa phải là bằng chứng thuyết phục Chúa Jêsus sống lại từ cõi chết.

Nhưng dầu sao đi nữa, ngôi mộ trống ấy vẫn là một dấu chỉ ( bằng chứng), dấu chỉ ( bằng chứng) là một cái gì đó là mắt mình thấy, tai nghe được, tay sờ mó được nhưng nó không chỉ ngưng ở đó mà nó diễn đạt một nội dung vô hình.

Từ dấu chỉ đó các môn-đệ dần dần được dẫn đến niềm tin vào Chúa Jêsus phục sinh.

Tin Lành Giăng có một chi tiết rất nhỏ nhưng mà rất hay: Đó là ông Phi-e-rơ và ông Giăng cùng chạy đến mồ, nhưng ông Phi-e-rơ vào trước, Giăng vào sau. Vào trong thì không thấy xác thầy đâu nữa mà chỉ thấy khăn niệm.

Nhưng Giăng đã kết luận làm sao: Ông đã thấy và đã tin: “Si-môn Phi-e-rơ theo đến, vào trong mộ, thấy vải bỏ dưới đất, 7 và cái khăn liệm trùm đầu Đức Chúa Jêsus chẳng ở cùng một chỗ với vải, nhưng cuốn lại để riêng ra một nơi khác. 8 Bấy giờ, môn đồ kia đã đến mộ trước, cũng bước vào, thì thấy và tin. 9 Vì chưng hai người chưa hiểu lời Kinh thánh rằng Đức Chúa Jêsus phải từ kẻ chết sống lại. 10 Đoạn, hai môn đồ trở về nhà mình.” ( Giăng 20:7-10)
Thấy ngôi mộ trống, thấy vải niệm thôi nhưng mà họ đã tin.
Đây là một bằng chứng đã dẫn đến đức tin.

Nếu chúng ta chỉ dừng lại ở ngôi mộ trống mà thôi thì chưa đủ.
Cho nên, chúng ta đi thêm một bước nữa:       

II.               NHỮNG LẦN HIỆN RA CỦA ĐẤNG PHỤC SINH
Tôi cũng xin kê khai ra đây để chúng ta về nhà có thời gian đọc lại những đoạn Kinh Thánh này.
Mt 28,9-20; Mc 16,14-18; Lc 24,36-39; Ga 20,19-23.
Những lần đầu tiên được Chúa Jêsus phục sinh hiện ra là ai? Là những người đàn bà, phụ nữ.
Chi tiết này, cũng đáng cho chúng ta những người phụ nữ suy nghĩ lắm. Chúa ưu tiên cho phụ nữ làm sao không biết mà mấy ông môn đồ từ ông Phi-e-rơ và Giăng đứng hàng thứ hai hết.

Những người đầu tiên được Chúa Phục sinh hiện đến gặp gỡ lại là những người phụ nữ.

Rồi chính những người phụ nữ ấy đi rao báo tin mừng về sự sống lại của Chúa Jêsus các môn đồ của Chúa.

Rồi tiếp đến, Chúa Jêsus hiện ra với nhóm 12 người.
Thánh Luca kể cho mình câu chuyện rất hay đó là: Hai môn-đệ đi về trên đường Em-ma-út.
Thánh Phao-lô còn nói: Chúa Jêsus có một lúc hiện ra với hơn 500 người. (1Cor 15,4-8)

Cho nên, không phải sự kiện ngôi mộ trống mà còn là những lần hiện ra của Chúa Phục sinh.

Khi ta nối kết hai sự kiện này lại với nhau, sự kiện ngôi mộ trống chưa phải là bằng chứng thuyết phục Chúa Jêsus sống lại từ cõi chết nhưng nếu chúng ta liên kết với những lần Chúa Jêsus hiện ra với các môn-đệ thì sẽ thấy nó trở thành một bằng chứng mạnh mẽ và rất lớn.

Ngoài ra, chúng ta nên để ý đến một điều thứ ba nữa đó là:

III.           LỜI CHỨNG CỦA CÁC MÔN ĐỒ
Cv 1:22 “Những chứng nhân về cuộc phục sinh của Đức Chúa Jêsus”
Lời chứng của các môn-đồ của Chúa Jêsus.
Khi gặp Chúa Jêsus Phục sinh rồi thì họ làm chứng và lời chứng của các ông không chỉ là bằng lời nói mà là bằng hiến dâng mạng sống.
Văn hào nổi tiếng của Pháp là Passcan có nói một câu: “ Tôi chỉ tin vào một điều mà người rao giảng đó dám sống và dám chết cho nó”.
Lấy cái câu của Passcan mà áp dụng cho các môn-đồ Chúa Jêsus thì chính xác 100%.
Họ đã rao giảng Chúa Jêsus sống lại và làm chứng cho điều mình rao giảng bằng cách hiến dâng cả mạng sống.
Cho nên, lời chứng đó có sức thuyết phục và trong thực tế, chúng ta thử nhìn lại mà xem cộng đồng tín hữu đầu tiên mà tin vào Chúa Jêsus. Những người anh chị em đầu tiên lúc đó họ có chạy ra xem ngôi mộ trống và thấy ngôi mộ trống. Đâu có…

Rồi họ có được gặp gỡ Chúa Jêsus khi Ngài sống lại từ cõi chết không? Cũng không? Thế thì đức tin của họ dựa vào đâu? Dựa vào lời chứng của các môn-đồ Chúa Jêsus.

Lúc đấy các sứ đồ là những người mà họ trực tiếp gặp gỡ, trực tiếp nghe các ông giảng dạy.

Ông thánh Phi-e-rơ ông kể rất chi tiết: từ lúc Chúa bị bắt làm sao? Tao chối Chúa như thế nào? Chúa nhìn tao, tao buồn quá, tao khóc lóc làm sao cho đến lúc tao chạy ra ngoài mộ, tao thấy ngôi mộ trống như thế nào, rồi đến lúc tao gặp Chúa trên bờ biển rồi Chúa hỏi: Có yêu mến thầy không?

Ông ấy kể rõ ràng là chứng nhân, và những anh chị em tín hữu đầu tiên đó tin vào Chúa Jêsus Phục sinh là dựa trên lời chứng của các sứ đồ.

Ngay cả sứ đồ Thô-ma, lần thứ nhất Chúa hiện đến thì ông không gặp đâu, ông đi chơi ở đâu ấy mà. Nhưng lần thứ hai ông mới gặp. rồi các sứ đồ khác kể lại họ đã gặp Chúa ông có tin đâu? Mãi đến lần thứ hai, Chúa cho gặp thực sư và Chúa còn bảo: Anh bảo anh không tin bây giờ anh rơ tay ra đặt vào cạnh sườn tôi đây. Anh đưa ngón tay của anh sỏ vào đây coi.

Chúng ta đọc lại sách Phúc âm mà cố gắng đặt mình vào trong hoàn cảnh lúc bấy giờ thì sẽ thấy nó sống động.
Cho nên, niềm tin của các anh, các chị và của tôi đây vào Chúa Jêsus Phục sinh, chúng ta dựa vào lời chứng của các sứ đồ, dựa vào lời chứng của Thánh Kinh về ngôi mộ trống về những lần hiện ra của Đấng Phục Sinh để thấy là niềm tin của mình vào Chúa Jêsus Phục sinh là niềm tin có cơ sở, vững vàng chứ không phải là mê-tín, hoặc tin vu vơ.

IV.           PHỤC SINH LÀ BIẾN CỐ SIÊU VIỆT
Từ nẫy đến giờ, chúng ta đã nói về PHỤC SINH LÀ MỘT SỰ KIỆN LỊCH SỬ. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đây thôi thì chưa đủ, cho nên phải có một bước thứ hai để hiểu đúng về sự kiện Phục sinh.
Hội thánh Tin Lành nói đến sự Phục sinh của Chúa Jêsus như là một biến cố siêu việt có nghĩa là vượt lên trên lịch sử, vượt lên trên sự hiểu biết tự nhiên của loài người.

Đúng là Chúa Jêsus đã sống lại từ cõi chết, một sự kiện thực sự đã xảy ra trong lịch sử nhân loại, một sự kiện mà có những bằng chứng mà chúng ta đã nói là những ngôi mộ trống, là những lần hiện ra của Đấng Phục Sinh.

Nhưng bây giờ, chúng ta đặt một câu hỏi: Giây phút mà Chúa Jêsus sống lại từ cõi chết và bước ra khỏi mồ có ai thấy không? Không biết có ai ở trong Hội Thánh này thấy không? Các sứ đồ cũng không thấy.

Và hỏi rằng có sách Tin mừng nào mà kể lại diễn tiến, chi tiết về giây phút Chúa Jêsus sống lại từ cõi chết không? Không có.

Không ai có mặt trong giây phút mà Chúa Jêsus bước ra khỏi mồ cũng không có một thánh sử nào, không có một cuốn nào trong Kinh Thánh kể lại chi tiết việc Chúa Jêsus sống lại từ cõi chết.

Điều đó, cho mình thấy Phục sinh vừa là một sự kiện lịch sử, vừa là một sự kiện vượt lên trên lịch sử.

Khi chúng ta đọc và tiếp cận các sách Phúc âm thì chúng ta thấy những lần Chúa Jêsus Phục sinh hiện ra cho các môn-đệ, các ông có tin là Chúa Jêsus sống lại không? Mà các ông nghĩ là thấy gì? Tưởng là thần.
Bản Công giáo dịch là: Thấy ma. (Lc 24: 37)
Và nếu mình ở trong hoàn cảnh lúc ấy thì mình cũng chỉ nghĩ được đến thế thôi. Làm gì có chuyện người chết mà sống lại.

Và khi các môn-đệ nghĩ rằng mình thấy ma thôi, thì Chúa Jêsus Phục sinh đã chứng minh cho các ông bằng cách nào? Ngài phán rằng: Sao các ngươi bối rối, và sao trong lòng các ngươi nghi làm vậy? 39 Hãy xem tay chân ta: Thật chính ta. Hãy rờ đến ta, và hãy xem; thần thì không có thịt xương, mà các ngươi thấy ta có. 40 Đương phán vậy, Ngài giơ tay và chân ra cho xem. 41 Nhưng vì cớ môn đồ vui mừng, nên chưa tin chắc, và lấy làm lạ, thì Ngài phán rằng: Ở đây các ngươi có gì ăn không? 42 Môn đồ dâng cho Ngài một miếng cá nướng. 43 Ngài nhận lấy mà ăn trước mặt môn đồ.
Điều đó có nghĩa rằng: Đấng chịu đóng đinh trên thập tự giá và chịu chết trên thập tự giá và Đấng Phục sinh chỉ là một.

Và Chúa Jêsus sống lại từ cõi chết thì Ngài mang lấy cái thân thể, thân thể đã từng chịu đau khổ, thân thể đã chịu đóng đinh, đã chịu chết trên thập tự giá. Chứ không phải là một thân thể khác nhưng mà đồng thời cái thân thể Chúa Jêsus Phục sinh mang lấy vẫn còn có vết tích của cuộc khổ nạn mà lại là thân xác vinh hiển.

Bởi vì thân xác ấy không còn bị chi phối bởi những định luật không gian và thời gian, định luật thể lý về không gian cửa đóng kín mà Ngài vẫn vào như thường. Chính vì thế cho nên các môn-đệ mới nghĩ là thần, là ma. Chỉ có ma thì mới vào được chứ người thường thì làm sao mà vào được.

Vượt lên trên cái định luật về thể lý về không gian và thời gian. Đấng Phục sinh hiện đến với hai môn-đồ trên đường Em-ma-út. Và đồng thời Ngài hiện đến với nhóm mười hai.

Về mặt thần học thì người ta nói: Trước kia trong cuộc sống trần thế, Thiên Chúa nhập thể làm người và Thiên Chúa phải chấp nhận tất cả những giới hạn trong thân phận con người. Cụ thể là Ngài có mặt ở Do-thái chứ không thể cùng lúc ở Việt Nam được. Mặc dầu là Đức Chúa Trời nhưng khi Ngài làm người thì Ngài phải chấp nhận những giới hạn trong thân phận con người.

Thế nhưng khi Ngài sống lại từ cõi chết thì tất cả những giới hạn ấy nó bị phá vỡ, và sự hiện diện của Chúa Jêsus Phục sinh trở thành một sự hiện diện phổ quát ( tức là khắp mọi nơi)

Thành thử ra ngay trong giây phút này, Chúa Jêsus Phục sinh đang ở giữa chúng ta đây.
Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ". Mt 18,20.

Chúa Phục sinh đang ở giữa chúng ta đây. Và Chúa Jêsus ngay giây phút này đang ở giữa một cộng đồng Cơ Đốc nhân khác đang cầu nguyện ở Lôm-pênh, ở Băng-cốc, ở Pháp, Ỏ Luân-đôn.

Sự hiện diện phổ quát của Ngài không còn bị chi phối bởi những định luật, ở không gian và thời gian.

Và vì thế, chúng ta có thể gặp Ngài, chỉ gặp Ngài trong đức tin, gặp Ngài như các môn-đệ ngày xưa, gặp Ngài, nghe Ngài nói chuyện, nghe Ngài dạy dỗ và đón nhận bánh và chén của Ngài. Sự hiện diện phổ quát.

Chúng ta nối kết hai điểm của bài học hôm nay: Thứ nhất mình phải nhìn Phục sinh như là một sự kiện lịch sử, có thật trong lịch sử nhân loại.

Thứ hai phải nhìn Phục sinh như một biến cố vượt lên trên lịch sử.
Ngài chết và sống lại, sống cuộc sống trần thế tiếp tục được mấy chục năm nữa rồi lại chết đi đâu. Không phải.

Mà sự Phục sinh của Chúa có nghĩa là một sự sống hoàn toàn mới và trở thành Đấng hằng sống.

Như thế, Phục sinh của Đức Jêsus không có nghĩa là trở về cuộc sống trần thế như cũ, nhưng là một sự sống mới, hoàn toàn khác, vượt trên không gian và thời gian. Thân thể của Đấng Phục sinh là thân thể vinh quang, tràn đầy quyền năng của Thánh Thần, và thánh Phaolô gọi Đức Kitô là người thuộc thiên giới (x. 1Cor 15,35-50).

Trong giây phút này hình dung câu chuyện về thánh Luca kể cho chúng ta nghe về hai môn-đệ trên đường về Em-ma-út.
Hai môn-đệ đi từ Giê-ru-sa-lem về Em-am-út mà lòng trĩu nặng, buồn phiền và đầy thất vọng.

Và rồi có một người khách lạ đến hỏi thăm và cùng đi với hai ông và khi hai ông nghe người khách lạ đó nói chuyện thì lòng các ông cứ ấm dần lên.

Nỗi thất vọng dần dẫn tan biến, nhường bước cho niềm hy vọng được thắp lên và niềm vui của tâm hồn bừng sáng.

Rồi hai ông thưa với người khách lạ: “Xin Thầy ở lại với chúng con vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn” (Lc 24,29).

Trời đã xế chiều và ngày sắp tàn theo nghĩa thời gian là đã tối rồi


Trời đã xế chiều và ngày sắp tàn theo nghĩa tinh thần là những giây phút chúng ta cảm nhận thất vọng, buồn chán, cô đơn, đau khổ, bị bỏ rơi. Tất cả trạng thái ấy được diễn tả ấy qua câu nói: Trời đã xế chiều và ngày sắp tàn theo nghĩa.

Vậy thì, trong những giây phút ấy chúng ta có thưa với Chúa Jêsus  rằng: Xin Chúa ở lại với con không? Hay chúng ta đi tìm một phương thế nào khác. Để rồi sau đó lại còn thất vọng sâu hơn nữa, buồn chán nhiều hơn nữa.
Chúng ta có sẵn sàng xin Chúa ở lại với mình và đón Chúa đến ở bên mình không?

Chúng ta hãy mượn lời cầu nguyện của hai môn đệ trên đường Em-ma-út mà dệt lên lời cầu nguyện của chính mình.
Xin chúng ta cùng đứng lên để cầu nguyện.







Related link

Latest Features

Weather

April - 2025
SMTWTFS
  12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
27282930   
       

Facebook comments