SÁNG THẾ KÝ
(Chương 12-19)
11 chương đầu của sách Sáng-thế-ký là nói về nguồn gốc của vũ trụ, nguồn gốc loài người, rồi mô tả cho chúng ta nguồn gốc của cái ác, tại sao nó xuất hiện trong trần gian này. Và cái ác nó đã đem đến những hậu quả như thế nào cho đời sống của con người.
Mối tương quan giữa vợ chồng trong gia đình, tương quan trong anh em, tương quan con người với con người, và cả tương quan giữa con người và vũ trụ bị đổ vỡ ra sao.
Nhưng bên cạnh sự gẫy đổ tất cả mối tương quan của con người thì lời hứa cứu rỗi, sau 11 chương đầu, chúng ta bắt đầu bước vào chương 12 là bắt đầu các trình thuật, ký thuật về các tổ phụ.
Mà đầu tiên là tổ phụ Áp-ra-ham, và qua sự ký thuật về các tổ phụ này và cũng như qua sách khác trong Thánh Kinh là ta thấy Đức Chúa Trời thực hiện công trình cứu chuộc của Ngài trong lịch sử nhân loại như thế nào?
Và bây giờ, chúng ta bắt đầu với tổ phụ Áp-ra-ham.
I. TIẾNG GỌI VÀ LỜI ĐÁP TRẢ CỦA ABRAM
Sáng-thế-ký 12:1-5
Ở đây, chúng ta đọc thấy Áp-ram, mãi đến chỗ chương 17:5 thì sẽ thấy người ta gọi tên là Áp-ra-ham. Như vậy, Chúa đổi tên của Áp-ram thành Áp-ra-ham. Trong Thánh Kinh nhiều người được đổi tên lắm.
Minh họa: Trong những chương kế tiếp chúng ta sẽ thấy Gia-cốp sẽ được đổi tên thành Y-sơ-ra-ên.
Ông Phi-e-rơ trước đó tên là Si-môn và sau đó được đổi tên thành Sê-phê có nghĩa là Phi-e-rơ nghĩa là đá.
Ở trong Thánh Kinh khi Chúa đổi tên một người là Chúa trao một sứ mạng mới cho người đó.
Trong bản văn Thánh Kinh đã ký thuật về sự kêu gọi của Đức Chúa Trời dành cho tổ phụ Áp-ra-ham, sự kêu gọi đó hoàn toàn là từ Đức Chúa Trời mà đến.
Khởi đầu của sự kêu gọi là từ phía Đức Chúa Trời chứ không phải là từ phía con người. Khi mình thấy sự kêu gọi là mình phải hiểu chính Chúa đi bước trước, ơn gọi thiên triệu, ơn gọi làm Mục sư chẳng hạn.
Người ta hầu việc Chúa, làm Mục sư không phải là do cái cố gắng của bản thân mình, chúng ta chỉ là đáp ứng lại sự kêu gọi của Chúa mà thôi. Chứ còn tiếng gọi và ơn kêu gọi trước hết là đến từ Đức Chúa Trời.
Ở đây cũng vậy, khi Chúa kêu gọi Áp-ra-ham và Ngài hứa sẽ làm cho ông thành một dân lớn.
Chúng ta chú ý đến câu 2-3 “ Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước. 3 Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi; và các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước.”
Để trở thành một dân lớn thì Áp-ra-ham phải có hậu duệ, phải có người nối dõi chứ, nếu không có người nối dõi thì lấy đâu ra mà dân lớn, khi chúng ta đọc tiếp sách Sáng-thế-ký thì mình thấy ông chẳng có con cái gì.
Chúng ta thấy câu chuyện này nó thu hút mình là bởi vì phải có sự can thiệp của chính Đức Chúa Trời thì lời hứa này mới được thực hiện.
Và gắn với hậu duệ là đất đai, và lời hứa mà Chúa dành cho Áp-ra-ham đó không chỉ là dành cho cá nhân của ông, mà là nhờ ông mà mọi dân tộc trên đất này được chúc phước. Đó là về phía Đức Chúa Trời, còn về phía tổ phụ Áp-ra-ham thì Thánh Kinh ghi nhận làm sao? Cái thái độ của Áp-ra-ham.
II. Lời đáp trả của Abraham
Chúng ta để ý câu 4: “ Rồi, Áp-ram đi, theo như lời Đức Giê-hô-va đã phán dạy;”
Tác giả của thư Hê-bơ-rơ diễn tả về Áp-ra-ham như sau: “ Bởi đức tin, Áp-ra-ham vâng lời Chúa gọi, đi đến xứ mình sẽ nhận làm cơ nghiệp: người đi mà không biết mình đi đâu.” ( Hê-bơ-rơ 11: 8)
Ra đi mà không biết mình đi đâu, chỉ cần Chúa bảo mình đi thì mình đi thôi, không cần biết mình đi đâu. Như vậy cái thái độ này nó diễn tả một sự vâng phục tuyệt đối của tổ phụ Áp-ra-ham.
Nó diễn tả cái thái độ trọn vẹn của tổ phụ Áp-ra-ham đối với Đức Chúa Trời, Chúa gọi thì tôi lên đường, Chúa gọi thì tôi đi thế thôi. Còn đi đến đâu, điều gì sẽ xảy ra, tôi không cần biết, mọi sự là ở nơi Chúa.
Bài thánh ca: Tôi không biết ngày mai sẽ thế nào?
Một điều rất lạ lùng, chúng ta để ý mà xem, Thánh Kinh của người Tin lành được chia ra thành hai phần lớn: Cựu Ước và Tân Ước.
Sau 11 chương đầu của sách Sáng-thế-ký là nói đến nguồn gốc của vũ trụ và con người và sang chương 12 là nói đến tổ phụ Áp-ra-ham. Cho nên có thể coi như là khởi đầu của thời kỳ Cựu Ước là tổ phụ Áp-ra-ham.
Trong Tân Ước thì nói đến Chúa Giê xu, cho nên, hai khuôn mặt mở đầu cho hai giao ước, giao ước cũ và giao ước mới, cả hai vị tổ phụ đó là sống đức tin tuyệt đối.
Phó thác trọn vẹn nơi Đức Chúa Trời, cho nên đức tin là chủ đề đặc biệt được nhấn mạnh trong câu chuyện về ơn kêu gọi của tổ phụ Áp-ra-ham.
Chính vì vậy, tổ phụ Áp-ra-ham là tổ phụ mẫu mực cho chúng ta trong đời sống đức tin.
Minh họa: Nếu chúng ta đặt mình vào trong bối cảnh lúc bấy giờ khi Ngài kêu gọi thì chắc chắn chúng ta thế nào cũng hỏi vậy thì Chúa muốn đưa con đi đâu? Và nếu Chúa bảo mình đi đến một chỗ nào nó tốt đẹp thì mình mới đi, còn nếu Chúa bảo mình đi đến chỗ nào khó khăn, khó thở thì chắc mình từ chối thôi.
Thường thường đức tin của chúng ta có điều kiện, chứ nó chưa phải là sự phó thác trọn vẹn ở nơi Đức Chúa Trời.
Sau này, chúng ta học về thánh Phao lô chúng ta sẽ thấy ông dùng cái từ đó là: Sự vâng phục của đức tin.
Đức tin là gì? là thưa vâng với Lời của Chúa, Chúa cất tiếng gọi, Chúa phán, tôi thưa vâng đó là đức tin.
Đức tin là thưa vâng đối với Lời của Chúa.
Minh họa: Khi thiên sứ báo tin cho bà Ma-ri thì bà nói: Xin sự ấy xảy ra như điều Chúa hứa, có nghĩa là bà xin vâng với Lời của Chúa.
Tổ phụ Abrham mãi mãi là mẫu mực cho đời sống đức tin của mọi tín hữu.
III. GIAO ƯỚC VỚI ABRAHAM
Sáng-thế-ký 15:7-11 Ở nói đến lời hứa và giao ước của Đức Chúa Trời, chúng ta thấy Thánh Kinh mô tả làm sao? Chúng ta cùng đọc.
Chúng ta để ý thấy Chúa bảo Áp-ra-ham kiếm cho Chúa một con bò cái ba tuổi, một con dê cái ba tuổi, một con chiên đực ba tuổi, một con cu rừng và một con bồ câu con. Thế rồi Áp-ra-ham sẻ đôi ra đặt nửa này đối diện với nữa kia.
Ở đây là một nghi thức ký kết một giao ước mà người xưa người ta thực hiện. Những con vật đó được sẻ đôi, đặt hai bên. Rồi hai bên mà ký kết giao ước đó sẽ đi qua, đi lại ở giữa để nói lên điều gì?
Để nói rằng mình phải giữ lời giao ước đó mà nếu mình không giữ lời giao ước đó thì số phận của mình sẽ giống như những con vật này này, sẽ bị sẽ đôi ra. Cho nên, ý kết giao ước là một điều rất quan trọng.
Chúng ta đọc tiếp câu 17 sẽ thấy “ Khi mặt trời đã lặn, thình lình sự tối mịt giáng xuống; kìa, có một lò lớn khói lên, và một ngọn lửa loè ngang qua các xác thịt đã mổ.”
Có một lò lớn khói lên, và một ngọn lửa loè, lửa ở đây là hình ảnh, là dấu chỉ sự hiện diện của Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời đi ở giữa những con vật đã bị sẻ đôi, có nghĩa rằng Đức Chúa Trời ký kết giao ước với tổ phụ Áp-ra-ham.
Ngay trong câu 18 thì viết “ Ngày đó, Đức Giê-hô-va lập giao ước cùng Áp-ram ”
Đấy chính là cái nghi thức kỳ kết giao ước là như vậy.
Rồi câu 12 thì viết “ Vả, khi mặt trời vừa lặn, thì Áp-ram ngủ mê; nầy một cơn kinh hãi, tối tăm nhập vào mình người.”
Câu này nó diễn tả ông Áp-ra-ham đi vào chạng thái ngưng hoạt động trong thể lý của con người để được dẫn vào trong mặc khải của Đức Chúa Trời.
Được dẫn vào trong cuộc gặp gỡ với Đức Chúa Trời.
Đọc lời này, chúng ta nhận thấy Đức Chúa Trời vận dụng, và dùng những hình ảnh, phong tục, tập quán để giúp cho con người hiểu về Ngài.
Cái giao ước được nói đến ở đây nó như là một hợp đồng, khi nói đến hợp đồng nó có nghĩa là cả hai bên có quyền lợi và có trách nhiệm.
Về phía Đức Chúa Trời thì trách nhiệm ra làm sao và về phía Áp-ra-ham thì trách nhiệm ra làm sao?
Và trong chương 17:5 Chúa đổi tên từ Áp-ram thành Áp-ra-ham nó diễn tả một mối quan hệ mới với Đức Chúa Trời.
Và ý nghĩa tên của Áp-ra-ham có nghĩa là cha của nhiều dân tộc.
Một điểm nữa ở chương 17:7 “ Ta sẽ lập giao ước cùng ngươi, và cùng hậu tự ngươi trải qua các đời; ấy là giao ước đời đời, hầu cho ta làm Đức Chúa Trời của ngươi và của dòng dõi ngươi.”
Chúng ta chú ý ở đây là Chúa không chỉ lập giao ước với cá nhân Áp-ra-ham mà còn với dòng dõi của Áp-ra-ham, và cái giao ước đó là cái giao ước đời đời, vĩnh cửu.
Cũng ở trong chương 17 nói đến dấu hiệu, dấu chỉ của lập giao ước là cắt bì, chúng ta đọc ở câu 14 “ Một người nam nào không chịu phép cắt bì nơi xác thịt mình, sẽ bị truất ra khỏi ngoài dân sự mình; người đó là kẻ bội lời giao ước ta.”
Người Do thái rất tự hào về cái căn tính của dân tộc mình, cái gì làm cho người Do thái là người Do thái, cái gì nó làm cho tôi là dân của Chúa, còn dân ngoại nó không phải là dân của Chúa. Có một dấu hiệu rõ ràng đó là việc cắt bì.
Nếu anh chịu phép cắt bì thì anh mới là người Do thái, là dân của Chúa, còn nếu anh không chịu cắt bì thì anh không phải là dân của Chúa.
Sau này mình đọc Thánh Kinh Tân Ước, đọc thư của sứ đồ Phao lô mình sẽ thấy nó lại được nhắc đến và đặt ra.
Cái người Do thái chịu cắt bì thế người không phải Do Thái tức là dân ngoại người ta tin Chúa Giê xu người ta có cần phải cắt bì không?
IV. Ismael chào đời
Sáng-thế-ký 16: 1-2 “ Vả, Sa-rai, vợ của Áp-ram, vẫn không sanh con; nàng có một con đòi Ê-díp-tô, tên là A-ga. 2 Sa-rai nói cùng Áp-ram rằng: Nầy, Đức Giê-hô-va đã làm cho tôi son sẻ, vậy xin ông hãy lại ăn ở cùng con đòi tôi, có lẽ tôi sẽ nhờ nó mà có con chăng. Áp-ram bèn nghe theo lời của Sa-rai.”
Đọc cái câu chuyện này chúng ta thấy có bà nào cho phép chồng mình như vậy không? Đây là sự đề nghị của bà Sa-ra, liệu luật của Chúa có quy định như vậy không?
Thánh Kinh đã viết cách chúng ta 30 thế kỷ, 20 thế kỷ một điều quan trọng là mình phải nhìn lại thời lúc bấy giờ, phong tục, tập quán, luật lệ ra làm sao?
Khi bà Sa-ra đề nghị tổ phụ Áp-ra-ham cái điều này là bà ấy làm một điều hoàn toàn phù hợp với tục lệ lúc bấy giờ ở vùng mê-bô-sô-ta-mi.
Luật pháp thời bấy giờ cũng quy định rằng: đứa con mà nữ tỳ sinh ra là con của bà chủ và cô nữ tỳ lại phải trở về thân phận nữ tỳ của mình.
Chúng ta cho rằng rất bất công quá, nhưng chúng ta không có tranh luận đến vấn đề bất công hay không bất công mà chúng ta phải đặt mình vào bối cảnh lúc bấy giờ.
Minh họa: Việt Nam chúng ta 100 năm trở về trước, các cụ từng nói: Trai thì năm thê, bẩy thiếp, gái thì chỉ chính chuyên có một chồng. Mà các cụ thời đó đâu có bảo là bất công, bây giờ thì mình bảo bất công. Mình đặt mình vào cái thời điểm đó để mình hiểu.
Tục lệ lúc bấy giờ là khi một người vợ mà son sẻ không có con, thì người vợ ấy có thể để cho người vợ ấy ăn ở với nữ tỳ, mà đứa con người nữ tỳ đó sinh ra, là con của bà chủ “vậy xin ông hãy lại ăn ở cùng con đòi tôi, có lẽ tôi sẽ nhờ nó mà có con chăng”
Con của tôi chứ không phải con của nó, thành thử bà Sa-ra bà ấy làm phù hợp với luật pháp thời đó, phù hợp với ở vùng đó.
Khi cô nữ tỳ này đi lại với ông chủ thì cô nữ tỳ này rất hãnh diện và giờ cô ấy lại còn có con nữa, bà chủ thì không có thì chắc chắn cô nữ tỳ này rất kiêu hãnh, vênh mặt.
Cô A-ga này cô có bầu và cô lên mặt, cho nên xảy ra chuyện giữa bà Sa-ra với A-ga.
Câu 6: “Áp-ram đáp cùng Sa-rai rằng: Nầy, con đòi đó ở trong tay ngươi, phân xử thể nào, mặc ý ngươi cho vừa dạ. Đoạn, Sa-rai hành hạ A-ga, thì nàng trốn đi khỏi mặt người.”
Đang trên đường đi trốn trở về Ai-cập, đang trên đường trở về Ai-cập thì thiên sứ của Đức Chúa Trời gặp A-ga an ủi cô và trong lời an ủi đó. Thiên sứ nói câu 11: “Nầy, ngươi đương có thai, sẽ sanh một trai, đặt tên là Ích-ma-ên; vì Đức Giê-hô-va có nghe sự sầu khổ của ngươi.”
Câu đó là cách tên gọi của đứa trẻ mà A-ga sẽ sinh ra, Ích-ma-ên có nghĩa là Đức Chúa Trời lắng nghe, Đức Chúa Trời đã lắng nghe lời cầu cứu của A-ga. Và đã đến nâng đỡ cô ấy.
Câu kết tiếp 12: “Đứa trẻ đó sẽ như một con lừa rừng: tay nó sẽ địch cùng mọi người, và tay mọi người địch lại nó. Nó sẽ ở về phía đông, đối mặt cùng hết thảy anh em mình.”
Câu 12 là câu mô tả tính cách con người của Ích-ma-ên.
Ngày nay người ta cho rằng Ích-ma-ên là tổ phụ của dân tộc vùng Trung Đông Ả rập.
Mà theo đạo Hồi giáo. Người ta trở về cái câu Kinh Thánh này để nói về cái khối của Ả rập.
Tất cả những câu chuyện của Ích-ma-ên muốn nói lên điều gì? Điều quan trọng nhất là ở chỗ này, Chúa hứa cho tổ phụ Áp-ra-ham trở thành một tổ phụ mà có dòng dõi đông như sao trên trời như cát biển, đợi mãi trả thấy cái gì cả.
Cho nên bà vợ bà ấy sốt ruột, bà ấy bảo thôi ông đi lại với đứa nữ tỳ ấy đi. Nhưng cuối cùng cái đứa con ấy không phải là cái đứa con của lời hứa, mà chỉ là đứa con của xác thịt thôi.
Thánh Kinh nói rằng: Đó không phải là đứa con của lời hứa, chỉ là đứa con của xác thịt, mà đứa con của lời hứa là Y-sác.
Cho nên một khi Đức Chúa Trời đã hứa, thì chính Ngài sẽ thực hiện bằng quyền năng của Ngài, chứ không phải bằng những tính toán, thủ đoạn của chúng ta. Điều quan trọng nó nằm ở chỗ đó.
Nhiều khi anh chị em chúng ta cũng nóng nảy quá, nôn nả quá, mình gặp khó khăn này đến gặp khó khăn quá, mãi chẳng thấy thay đổi rồi mình sốt ruột lên, rồi mình cũng phương thế, phương cách nhân loại, phương cách của con người để giải quyết.
Minh họa: Mày đánh tao gẫy một cái răng thì tao chơi hai cái, mày lấy của tạo một con mắt tao lấy của mày cả hai con, thế gian nó gian dối thì mình vừa mánh khóe, vừa gian dối. Người ta dùng bùa phép của Ma quỷ thì mình cũng đi dùng bùa phép của Ma quỷ, người ta ăn của cúng thần tượng thì mình cũng ăn của cúng, người ta nói ngồi lại nói chuyện xấu thì mình cũng vào hùa theo để nói xấu Hội Thánh.
Có thể mình đạt được mục đích, nhưng mục đích đó chỉ là trước mắt, mục đích đó chỉ là thỏa mãn xác thịt mà thôi mà nó không bền vững và đẹp lòng Chúa được.
Cho nên, qua câu chuyện chúng ta học được những bài học về đời sống đức tin của chúng ta, mình phải dám tin vào lời của Chúa, phải dám phó thác vào lời của Chúa.
Và phải sống với lời Chúa ngay trong hoàn cảnh dường như là tăm tối nhất, dường như là khó khăn nhất, chính Chúa sẽ thực hiện lời hứa của Ngài chứ không phải chúng ta thực hiện bằng những tính toán riêng của chúng ta.
Phải dám sống phó thác và có đủ đức tin như vậy.
Mỗi đoạn Thánh Kinh đều hàm chứa rất nhiều ý nghĩa cho đời sống chúng ta ngày hôm nay, chứ không phải câu chuyện của quá khứ mà thôi, mà mình phải lắng nghe để áp dụng vào trong đời sống đức tin của mình.
Tuần tới tiếp tục đọc chương 20-25.