CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ ( HOA KỲ)
CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ
1. Trường Hợp Người Qua Đời Chưa Tin Chúa:
Mục Sư cần cẩn thận – không tạo nên ấn tượng người quá cố được vào trong Nước Chúa hay an nghỉ trong Chúa. Buổi Lễ Phát Tang hoàn toàn chỉ có thể có tính cách nghi lễ cho những người trong gia đình tín hữu chịu tang.
Nơi hành lễ, tuyệt đối không chưng bày bất cứ một hình thức nào khác có thể gây nên hiểu lầm, chẳng hạn như lập bàn thờ người quá cố.
Đây là dịp để Mục Sư cầu nguyện Chúa an ủi tang quyến là người đã tin Chúa, và truyền giảng Phúc Âm cứu rỗi trong Chúa Giê-xu – ngắn gọn – cho những người chưa tin Chúa đến dự lễ mà thôi.
2. Trường Hợp Người Qua Đời Đã Tin Chúa:
Mục Sư nên nói về sự cứu rỗi chắc chắn trong Chúa Giê-xu, và Nước Chúa là nơi mà người quá cố ĐÃ được vào hưởng hạnh phúc đời đời bên cạnh Chúa-an ủi tang quyến.
Trong nghi thức Lễ Phát Tang, Mục Sư sẽ quấn khăn tang cho những người chịu tang, nếu ít người. Nếu có nhiều gia đình con cháu cùng chịu tang. Mục Sư quấn khăn tang cho người chủ gia đình, rồi trao khăn tang còn lại cho người chủ gia đình để người ấy quấn cho gia đình mình.
Chương Trình Mẫu ( 40-45 phút)
Lễ Phát Tang
CỤ TRẦN VĂN… …..( TÊN người quá cố)
Năm sinh……… và... năm tử……..
Cử hành: Tại………lúc…..giờ, ngày….tháng….năm…
Chủ Lễ:
Mục Sư ( Truyền Đạo ) Nguyễn Văn X…
+++++
Tuyên bố lý do & Cầu Nguyện khai lễ: Mục Sư
Thánh Ca ( thích hợp) : Hội chúng
Đọc Thánh Kinh ( Thi Thiên 23 chẳng hạn): Tang quyến
Tiểu sử người quá cố: Ông hay Bà…
Bài giảng ngắn ( 12 phút): Mục Sư
Nghi thức phát tang: Mục Sư
Cảm nghĩ về người quá cố: Thân bằng quyến thuộc
Lời phân ưu: Đại diện Hội Thánh
Lời cảm tạ ( không có cũng không sao): Đại diện tang quyến
Bài cầu nguyện chung: Hội chúng
Tôn vinh Chúa: Hội chúng
Chúc phước: Mục Sư
LỄ AN TÁNG
Tại Hoa Kỳ, Lễ An Táng thường được tổ chức tại Nhà Nguyện của Nhà Quàn, nhưng cũng có thể tổ chức tại Nhà Thờ ( hoặc tư gia như ở Việt Nam). Sau buổi lễ trong Nhà Nguyện hay Nhà Thờ, còn có lễ ngoài nghĩa trang trước khi hạ huyệt.
Trường hợp gia đình tín hữu đứng ra yêu cầu Mục Sư hành lễ cho người quá cố chưa tin Chúa, Mục Sư tránh đề cập đến sự cứu rỗi của người quá cố, hoặc gợi ý người quá cố được an nghỉ trong Chúa.
Mục Sư chỉ dùng cơ hội nầy để lấy lời Chúa an ủi tang quyến và giảng về ơn cứu rỗi trong Chúa Giê-xu cho những người đến dự tang lễ mà thôi.
Chỉ trong trường hợp người quá cố đã tin Chúa trước khi chết, Mục Sư mới nên nhấn mạnh đến phước hạnh chắc chắn của người tin Chúa được an nghỉ trong Chúa.
Chương Trình Gợi Ý
CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ
CỤ TRẦN VĂN…..
Qua đời ngày…
Cử hành lúc…..giờ, ngày…..tháng…..năm……
Tại Nhà…….
Chủ Lễ:
Mục Sư………
Nhạc Thánh: (Tên người đánh đàn)
Cầu nguyện khai lễ: Mục Sư
Thánh ca ( thích hợp ): Hội chúng
Tiểu sử người quá cố: Ông…
Đọc Kinh Thánh: Tên người đọc
Sứ điệp Thánh Kinh: Mục Sư
Cầu nguyện cho tang quyến: Mục Sư
Bài cầu nguyện chung: Hội chúng
Lời phân ưu: Đại diện Hội Thánh
Lời cảm tạ: Đại diện tang quyến
Hát tôn vinh: Hội chúng
Chúc phước: Mục Sư
Tại Nghĩa Trang
Thánh ca (nếu có, thích hợp) Hội chúng
Cầu nguyện: Mục Sư
Nghi thức gửi xác vào phần mộ: Mục Sư
Bài cầu nguyện chung: Hội chúng
Chúc phước: Mục Sư
A. Nghi Thức Tang Lễ Trong Nhà Thờ/Nhà Nguyện
Dành Cho Mục Sư Chủ Lễ
1. Trường Hợp Người Qua Đời Là Tín Đồ:
Sau khi đọc Thi thiên 90 hoặc I Cô-rinh-tô 15:20-28 và 35-57, Mục Sư có thể xử dụng phần gợi ý sau đây:
Kính thưa toàn thể tang quyến,
Kính thưa quý vị,
Chúng ta có mặt tại đây hôm nay để tạm biệt ________________. Chúng ta dùng chữ “ tạm biệt” vì trong niềm tin mà ______________ đã đặt vào Đức Chúa Trời, cái chết chỉ là một sự thay đổi địa chỉ, từ một địa chỉ trên trần gian ( Hải Phòng, Việt Nam), đổi qua địa chỉ trong cõi đời đời. Và tạ ơn Chúa, địa chỉ trong cõi đời đời của ______________ bây giờ là thiên đàng phước hạnh.
_____________ không vĩnh biệt gia đình và chúng ta, nhưng đã bước vào nơi an nghỉ mà Chúa Cứu Thế Giê-xu đã sắm sẵn. Chúa Giê-xu là Đấng mà _______________ đã tin cậy lúc còn sống. Chúa Giê-xu phán trong Phúc Âm Giăng 11:25 rằng, “ Ta là sự sống. Người nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi. Còn ai sống mà tin ta thì không hề chết.”
___________ đã tin Chúa Giê-xu, đã nếm trải được ơn cứu rỗi trong Ngài, nên hôm nay mặc dù đã chết, đối với Chúa, ____________ đang sống và sống trong vinh quang đời đời bên cạnh Chúa Giê-xu, vì Chúa Giê-xu đã một lần chết thế cho _____________ để ban cho ___________ sự sống đời đời. Chúa Giê-xu cũng phán rằng Ngài là “ sự sống lại.” câu nầy dẫn đưa chúng ta vào hai chân lý vô cùng khích lệ.
Chân lý thứ nhất: Chúng ta tin Chúa Giê-xu thì sau khi chết sẽ được sống lại. Sự sống lại của người chết trong Chúa là một giáo lý quan trọng và hết sức khích lệ con cái Ngài.
Lời Chúa trong I Cô-rinh-tô 15 mà tôi đọc trước đây xác nhận rõ phước hạnh nầy. Người tin Chúa cũng thường đọc Bài Tín Điều Các Sứ Đồ trong đó có câu: “ Tôi tin sự sống lại của thân thể, và sự sống đời đời.”
Người tin Chúa cũng bước qua ngưỡng cửa của sự chết, vì đó là hậu quả của tội lỗi. Hậu quả tội lỗi nguyên thủy của A-đam và Ê-va khi hai người phạm tội và sa ngã. Nhưng đàng sau cái chết là sự sống lại và sự sống đời đời cho những ai tin nhận Chúa Giê-xu.
Sự sống lại của người tin Chúa sẽ xảy ra trong ngày Chúa Giê-xu tái lâm, như có chép trong I tê-sa-lô-ni-ca 4:16, “ Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời, thì chính mình Chúa ở trên trời sẽ giáng xuống. Bấy giờ những người chết trong Chúa Cứu Thế sẽ sống lại trước hết.” Ha-lê-lu-gia! Tạ ơn Chúa vô cùng!
Sự sống đời đời mà Chúa ban cho chúng ta khi chúng ta tin nhận Ngài đã bắt đầu ngay khi chúng ta còn sống trên trần gian nầy và kéo dài mãi mãi khi chúng ta bước vào trong cõi đời đời bên cạnh Chúa.
Chính vì vậy, mà người đã tin Chúa Giê-xu, khi chết chỉ từ giã cõi đời nầy để bước qua cõi đời khác mà thôi.
Chân lý thứ hai: Chúa Giê-xu đã sống lại sau khi Ngài chết ba ngày. Sở dĩ chúng ta tin quyết vào lời hứa của Chúa Giê-xu ban cho con cái Ngài sự sống lại vì Ngài là Đấng đã sống lại. Chúa Giê-xu hứa ban cho chúng ta sự sống đời đời vì Ngài là nguồn sống vĩnh cửu.
Do đó, tất cả những người đã tin Chúa Giê-xu, trong đó có _____________, sau cái chết của thể xác nầy, đều sẽ sống lại khi Chúa Giê-xu tái lâm bởi quyền phép tối thượng của Đức Chúa Trời để thực sự hưởng sự sống đời đời phước hạnh của Ngài.
Thánh Kinh quả quyết trong Giăng 3:36, “ Ai tin Chúa Giê-xu thì được sự sống đời đời.”
Biết được chân lý nầy, chúng ta sẽ hiểu được tại sao Chúa Giê-xu phán, “ Lòng các con chớ hề bối rối. Hãy tin Đức Chúa Trời cũng hãy tin Ta nữa” ( Giăng 14:1). Tôi không biết __________ có bối rối khi sắp đối diện với sự chết hay không, nhưng tôi tin quyết rằng trong giờ phút lâm chung, con cái Chúa được Chúa an ủi và khích lệ khi họ chuẩn bị bước qua ngưỡng cửa của sự chết để vào trong Nước Ngài.
Tang quyến có lẽ cũng bối rối, vì gia đình nào cũng bối rối khi có người thân yêu qua đời. Nhưng nếu chúng ta đã thật sự tin Chúa Giê-xu, thì không còn bối rối về số phận của chúng ta bên kia cánh cửa của sự chết. Bối rối sao được khi bên kia cánh cửa nầy, Chúa Giê-xu yêu quý đang chờ chúng ta và dắt chúng ta vào trong Nước vinh quang đời đời của Ngài.
Chúa Giê-xu phán tiếp trong Phúc Âm Giăng 14:2 rằng, “ Trong nhà Cha Ta có nhiều chỗ ở…Ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ.” Chúa Giê-xu đã chịu chết, sống lại và ngự về trời để chuẩn bị cho những người tin theo Ngài một chỗ ở trong nhà Cha trên trời. Chỗ ở trong nhà Cha trên trời không nhất thiết là một căn nhà bằng vàng theo nghĩa vật chất, nhưng là thiên đàng phước hạnh vinh hiển mà chúng ta chưa hiểu hết được nhưng chắc chắn sẽ vào đó để tận hưởng hạnh phúc bên cạnh Đấng Tạo Hóa đã dựng nên chúng ta.
Người quá cố không còn ở trong căn nhà của gia đình, hay trong bệnh viện nữa. Người yêu dấu của chúng ta đã vào trong “ Nhà Cha” trên trời! Thật không có gì hạnh phúc hơn nữa cho ____________ trong giờ phút nầy.
Hôm nay, quý vị và tôi đến đây, đứng trước linh cữu của người quá cố. Chút nữa đây, chúng ta sẽ tạm gửi xác của __________ vào lòng đất. Thân xác ______ sẽ nằm trong lòng đất lạnh, nhưng linh hồn_________ đang có mặt trong nhà Cha êm ấm trên trời. Mai đây, khi Chúa Giê-xu trở lại, khi tiếng kèn của thiên sứ trổi lên, thân xác của _________ có rữa nát tiêu tan đi nữa, cũng sẽ bừng dậy với một thân thể mới bất diệt và vinh quang, để cùng con dân Chúa bay lên không trung mà gặp Chúa trong sự trùng phùng toàn vẹn của cả thể xác và linh hồn.
Đây chính là lý do Chúa bảo tất cả chúng ta “ Lòng các con chớ bối rối. Hãy tin Đức Chúa Trời, cũng hãy tin Ta nữa…Ta là sự sống lại và sự sống. Người nào tin Ta thì sẽ sống mặc dù đã chết rồi. Còn ai sống mà tin Ta thì không hề chết.” A-men.
B. Phần Nghi Thức Gửi Xác Ngoài Nghĩa Trang
Sau lời cầu nguyện, Mục Sư có thể sử dụng phần gợi ý sau:
Vì đã đẹp lòng Đức Chúa Trời toàn năng và theo ý định tốt lành đời đời của Ngài, Chúa cất linh hồn của _______________ khỏi thế gian nầy, và nhân vì hy vọng vững chắc về sự sống lại của thân thể và sự sống đời đời trong Chúa Cứu Thế Giê-xu, và trông đợi đến ngày Chúa Cứu Thế Giê-xu tái lâm, lấy đại quyền năng tối thượng của Ngài mà khiến người chết trong Ngài sống lại.
“ Tôi nghe có tiếng từ trên trời phán rằng: “ Hãy viết lấy, từ rày, phước thay cho những người chết là người chết trong Chúa! Đức Thánh Linh phán: Phải, vì những người ấy nghỉ ngơi khỏi sự khó nhọc, và việc làm theo sau.” A-men. ( Khải huyền 14:13)
Sau đó, Mục Sư ra dấu cho các nhân viên nghĩa trang hạ quan tài xuống đáy phần mộ, rồi Mục Sư là người đầu tiên bỏ một cành hoa hay một nắm đất xuống phần mộ và cùng với mọi người đọc Bài Cầu Nguyện Chung kết thúc phần nghi lễ.
Kết Thúc Tang Lễ.