Chúa
Cứu Thế tại Nẻo Đường Thập Tự của sự hổ thẹn
Giăng 8:2-11
Giăng 8:2-11
Quý vị chắc còn nhớ câu chuyện Chúa Giê-su nói chuyện với người đàn bà bị bắt phạm tội tà dâm quả tang. Câu chuyện đó được ghi lại trong Phúc Âm Giăng đoạn 8, từ câu 2 đến câu 11. Đây chính là phân đoạn Kinh Thánh mà tôi muốn chia xẻ với quý vị hôm nay. Dựa trên phân đoạn Kinh Thánh này, tôi xin chia xẻ cùng quý vị đề tài “Chúa Cứu Thế Tại Nẻo Đường Thập Tự Của Sự Hổ Thẹn.” Kính mời quý vị lắng nghe Lời Đức Chúa Trời được chép trong Phúc Âm Giăng đoạn 8, từ câu 2 đến 11.
Nhưng đến tảng sáng, Ngài trở lại đền thờ; cả dân sự đều đến cùng Ngài, Ngài bèn ngồi dạy dỗ họ.
Bấy giờ, các thầy thông giáo và các người Pha-ri-si dẫn lại cho Ngài một người đờn bà đã bị bắt đang khi phạm tội tà dâm; họ để người giữa đám đông,
mà nói cùng Đức Chúa Jêsus rằng: Thưa thầy, người đờn bà nầy bị bắt quả tang về tội tà dâm.
Vả, trong luật pháp Môi-se có truyền cho chúng ta rằng nên ném đá những hạng người như vậy; còn thầy, thì nghĩ sao?
Họ nói vậy để thử Ngài, hầu cho có thể kiện Ngài. Nhưng Đức Chúa Jêsus cúi xuống, lấy ngón tay viết trên đất.
Vì họ cứ hỏi nữa, thì Ngài ngước lên và phán rằng: Ai trong các ngươi là người vô tội, hãy trước nhứt ném đá vào người.
Rồi Ngài lại cúi xuống cứ viết trên mặt đất.
Khi chúng nghe lời đó, thì kế nhau mà đi ra, những người có tuổi đi trước; Đức Chúa Jêsus ở lại một mình với người đờn bà, người vẫn đương đứng chính giữa đó.
Đức Chúa Jêsus bấy giờ lại ngước lên, không thấy ai hết, chỉ có người đờn bà, bèn phán rằng: Hỡi mụ kia, những kẻ cáo ngươi ở đâu? Không ai định tội ngươi sao?
Người thưa rằng: Lạy Chúa, không ai hết. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta cũng không định tội người; hãy đi, đừng phạm tội nữa.
Khi nói đến sự hổ thẹn, chắc chắn không ai nghĩ đến Chúa Giê-su cả. Thật sự là như vậy phải không quý vị? Nếu quý vị được yêu cầu liệt kê tên của 20 nhân vật mà quý vị cảm thấy là đáng bị coi là hổ thẹn, tôi nghĩ rằng quý vị sẽ không bao giờ ghi tên của Chúa Giê-su vào danh sách ấy cả. Tôi muốn nói rằng, Ngài không cần bị coi là đáng hổ thẹn, Ngài không có gì để hổ thẹn cả. Nhưng quý vị quên rằng Ngài đã từng kinh nghiệm qua điều đó. Tôi muốn nói đến cái chết của Ngài. Một cái chết sĩ nhục không giống những cái chết khác.
Một người có thẩm quyền viết rằng: “Cái chết trên thập tự giá không chỉ là cái chết đau đớn nhất, nhưng nó còn bị coi là cái chết hèn hạ nhất. Tử tội bị trần trụi với những lằn đòn và để oằn oại trong sự đau đớn của các mũi đinh. Người La Mã thường từ chối không chịu lãnh việc an táng nạn nhân, và để thi thể treo trên thập tự giá cho đến khi mục rã ra. Nó cũng được hiểu rằng theo luật pháp của người Do Thái, những ai bị treo trên cây gỗ là người bị rủa sả.” Một người bị rủa sả!
Ông Bernard of Clairvaux, một tu sĩ và nhà cải cách người Pháp ở thế kỷ thứ 12, đã không quên điều này. Trong bài thơ đã được nhạc sĩ tài ba Bach phổ nhạc, ông Bernard viết: “Ôi Thánh thủ giờ đã bị thương, / Với sự đau buồn và sĩ nhục đã trì kéo xuống, / Với sự kinh miệt phủ vây. / Với gay nhọn, chính là mão miện duy nhất của Ngài; / Ôi Thánh thủ, thật vinh hiển biết bao. / Niềm hạnh phúc đến nay vẫn thuộc về Ngài! / Vâng, cho dù bị khinh thường và đau đớn, / Tôi vui mừng xưng Ngài thuộc về tôi.”
Quý vị có thấy tư tưởng đó không? “Với đau buồn và sĩ nhục đã trì kéo xuống.” Ông Bernard không phải thấy được điều này bằng trí mình. Ông thấy điều đó trong Thánh Kinh. Không nghi ngờ gì cả, ông Bernard đã tìm thấy trong thư Hê-bơ-rơ đoạn 12, câu 2, nhìn xem Đức Chúa Jêsus, là cội rễ và cuối cùng của đức tin, tức là Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời.
Quý vị có nhận thức rằng khi Chúa Giê-su bị treo trên thập tự giá, Ngài đã khinh hay coi thường tất cả mọi điều sĩ nhục không? Thân thể Ngài bị hành hạ bởi sự đau đớn. Mặt Ngài đầy những vết thương sưng bầm, do đó tiên tri Ê-sai đã nói: “Người chẳng có hình dung,” tức không còn nhận diện được nữa. Ngài bị đánh và đập cách tàn nhẫn. Bất kể tất cả những điều đó, Ngài đã chấp nhận và chịu chết.
Có một sự thống khổ, đau đớn liên kết với sự sĩ nhục. Nếu quý vị đã không trải qua điều này trong thời gian gần đây, có thể quý vị đã quên cảm giác ấy. Sự thống khổ này còn tệ hại hơn mặc cảm tội lỗi nữa. Mặc cảm tội lỗi là điều riêng tư. Quý vị giữ nó trong nội tâm, quý vị để nó gậm nhấm mà không nói một lời và tiếp tục với cuộc sống. Nhưng với sự sĩ nhục thì quý vị không thể tiếp tục với cuộc sống được. Có một tiếng nói bên trong cứ liên tục lên án quý vị: “Thật đáng hổ thẹn! Thật nhục nhã cho ngươi quá!” Và nó đến từ bên trong của quý vị, chứ không phải từ bên ngoài. Nó tệ hại hơn mặc cảm tội lỗi rất nhiều. Bị sĩ nhục còn đau đớn hơn cả việc bị đánh bại nữa. Nó thấm thía hơn cả sự mắc cở. Chắc chắn là tệ hơn sự thất vọng. Nó là trạng thái tự ghét mình thấp nhất. Và thường thì nó kết thúc bằng việc . . . bằng việc tự tử!
Sự nhục nhã hạ thấp người chiến sĩ mà thân thể đầy máu me, bùn đất và nhận thức rằng mình bị quân địch bao vây với những mũi súng đang chỉa vào mình, và anh ta phải đầu hàng trong sự nhục nhã.
Sự nhục nhã hạ gục một đầy tớ của Đức Chúa Trời, là người đã rơi vào tội lỗi với tín hữu của mình và khi bị bắt gặp, bị khiển trách, và ông ta phải đứng trước Hội Thánh của mình để xưng nhận tội lỗi kinh khiếp mình đã phạm. Và sự nhục nhã tràn ngập lòng của ông ta.
Gần đây tôi có dịp nói chuyện qua điện thoại với một đầy tớ của Đức Chúa Trời, là người mà tôi đang kính trọng và cũng đã từng kính trọng trong nhiều năm qua. Nhưng có một đám mây đen che lấp một góc của cuộc đời vị ấy, và được che giấu trong một thời gian khá dài. Đó là việc ông phạm tội tà dâm với một tín hữu trong Hội Thánh của mình. Cuối cùng việc ấy bị đem ra ánh sáng. Vị ấy rất xấu hổ. Bởi tôi chưa hề kinh nghiệm cảm giác ấy, nên tôi hỏi vị ấy rằng ông ta có cảm giác như thế nào khi đứng trước Hội Thánh và xưng nhận: “Tôi là người đó”?
Vị ấy lắng nghe tôi trích dẫn lời của tu sĩ Bernard of Clairvaux và ông ta bắt đầu khóc. Tôi nghe tiếng khóc của ông trên điện thoại. Tôi hiểu rằng việc này xảy ra đã nhiều năm rồi. Nhưng ngay cả một sự khơi lại vết thương qua điện thoại cũng khiến ông ta xúc động không kềm được nước mắt. Vị ấy nói: “Tôi thật sự không biết phải dùng từ ngữ nào để có thể diễn tả được điều đó. Có lẽ nó giống như việc lấy một cái mền bằng len thật dầy, nhún vào nước sôi vào phủ lên thân thể trần trụi của tôi vậy, và nó làm phồng da thịt tôi trong một ngày nóng bức ẩm ướt của mùa hè.” Vị ấy nói tiếp: “Tôi nhận biết rằng mình có thể điều đình và giải quyết vấn đề tội lỗi này với vợ tôi, nhưng tôi không thể hợp lý hóa sự nhục nhã của tôi được.” Và ông ta kết luận: “Tôi và nhà tôi vẫn còn nhìn lại ngày đen tối ấy và chúng tôi gọi nó là một Chúa nhật Đen!” Đó là sự xấu hổ, sự nhục nhã. Đó là sự đen tối trong cuộc đời!
Nó là sự xấu hổ của một người chồng đánh đập vợ bị thương tích, rồi bị bắt và bị quăng vào tù như một tên tội phạm. Nó là sự nhục nhã khi ông ta biết rằng hành động của mình thật đê tiện.
Nó là sự nhục nhã trì nặng trong lòng của một người có chức tước, địa vị cao, nhưng bị buộc phải từ chức vì hành vi xấu xa, tội lỗi của mình. Nó tiếp tục hành hạ, tra tấn lương tâm ông ta vì hành vi tội lỗi của ông ta đã được mọi người biết đến.
Hầu hết quý vị còn nhớ câu chuyện của vị Tổng thống Mỹ trong thời chiến tranh Việt
Cách đây vài năm một vụ dầu loang rất lớn đã xảy ra ở bang
Đó là một cảm giác mà quý vị không thể lột bỏ được. Quý vị có thể vượt qua tội lỗi của mình. Quý vị có thể giải quyết vấn đề mặc cảm của mình. Nhưng có một sự cào cấu, thấu buốt của niềm đau từ sự sĩ nhục mà lời lẽ không thể diễn tả được.
Có một người đàn bà rơi vào tình trạng xấu hổ, buốt nhói nhất trong toàn cảnh của Tân ước. Người không bao giờ ngờ rằng tội lỗi của mình bị đem ra chốn công cộng. Bà ta nghĩ rằng hành động ấy là điều bí mật trong đêm tối mà thôi. Nhưng rồi bất ngờ, bà ta phải mặt đối mặt với Con của Đức Chúa Trời, người nhìn thẳng vào mắt bà để đối phó với tội lỗi, sự khinh miệt và nhục nhã của bà.
Tội lỗi hay quang cảnh này được ký thuật lại trong 11 câu đầu của Phúc Âm Giăng đoạn 8. Câu chuyện này chỉ được một mình sứ đồ Giăng ghi lại mà thôi. Câu chuyện bắt đầu vào một buổi sáng sớm tinh sương, trong khi cả thành phố Giê-ru-sa-lem vẫn còn bị sương mù dầy đặc phủ trùm. Bóng các cột đền thờ màu tím ngã dài dưới ánh hừng đông. Chim đang hót chào đón bình minh khắp khu vực chung quanh. Một nhóm người họp lại, gọi theo danh từ của chúng ta ngày nay là một lớp học Kinh Thánh. Do một Người dạy cách đặc biệt mà không một ai có thể so sánh được. Họ tụ tập lại để nghe lời giảng dạy của Đấng ban cho họ sự sống. Trong buổi sáng sớm bình minh ấy, Ngài đến đền thờ và dân chúng đến cùng Ngài. Trong vị thế của một nhà tư tế, Ngài ngồi xuống và bắt đầu dạy dỗ họ. Chắc chắn họ ngồi thành vòng tròn trong một phạm vi nho nhỏ, Ngài ngồi chính giữa và bắt đầu dạy dỗ họ.
Bất ngời lời giảng của Ngài bị gián đoạn bởi một nhóm người đang tiến đến. Gương mặt họ thật nghiêm nghị, lạnh lùng, với giọng nói đầy hận thù. Lớp học chắc phải rất ngạc nhiên trân mắt nhìn nhóm người này. Thấy cảnh đó, Chúa Giê-su bèn đứng lên. Câu 3 cho chúng ta biết đây là những thầy thông giáo, các trưởng lão và người Pha-ri-si, là những con người tự xưng là công bình giữa đám đông. Và giữa đám đông, người ta thấy một người không thuộc vào tầng lớp ấy xuất hiện. Không phải là một người đàn ông, nhưng là một người đàn bà. Cũng không phải là những người tự xưng là công bình, nhưng là một con người nhục nhã. Tên của người đàn bà này không hề được nói đến ở đây hay bất cứ chỗ nào trong Kinh Thánh. Những người đàn ông mới đến này là, nói theo từ ngữ của một người, “một nhóm giáo phẩm đạo đức giả.” Họ không thể đứng đối mặt với Chúa Giê-su, và lại càng căm ghét ân điển của Ngài hơn nữa. Họ chỉ có một mục tiêu duy nhất trong chương trình hành động của mình, đó là hạ bệ Chúa Giê-su và giết Ngài đi. Họ có một kế hoạch cho việc này. Theo phân đoạn Kinh Thánh này cho biết, chúng ta sẽ đọc trong chốc lát, là họ lập một kế hoạch để gày bẫy Chúa Giê-su, hầu có thêm bằng chứng để giết Ngài sau đó.
Nhưng người đàn này, mời quý vị hãy hình dung về bà ta. Bà đang vùng vẫy chống lại nhóm người kia cách vô vọng như con thú bị dẫn đến lò sát sinh. Tóc bà rối bời, son trên môi lốm đốm, áo choàng bị xé rách nhiều chỗ, cánh tay xưng bầm, cộng thêm vết sướt khi bà vùng vẫy để thoát khỏi họ. Bà mang dấu hiệu của một cô gái đứng đường, và bất ngờ bà có mặt trước một lớp học Kinh Thánh. Chúa Giê-su ngỡ ngàng trước sự bị làm gián đoạn này, Ngài đứng lên và lắng nghe.
. . . Thưa thầy, người đờn bà nầy bị bắt quả tang về tội tà dâm.
Vả, trong luật pháp Môi-se có truyền cho chúng ta rằng nên ném đá những hạng người như vậy; còn thầy, thì nghĩ sao?
Họ không có ngay cả câu chào xã giao mở đầu. Cũng không xin lỗi về việc làm giám đoạn buổi họp của Chúa Giê-su. Họ hầu như đẩy người đàn bà ra trước mặt Ngài và nói như thách đố: “Chúng tôi bắt gặp quả tang bà này phạm tội tà dâm. Thầy có ý kiến về điều này?” Cũng nên biết là theo luật Do-thái, hay ít nhất theo cẩm nang truyền thống được gọi là Mishnah, thì khi một người đàn ông bị bắt quả tang phạm tội tà dâm, ông ta sẽ bị xử tử bằng cách treo cổ. Họ quấn một cái khăn chung quanh cổ người ấy để khi cái thồng lọng xiết cổ tử tội sẽ không để lại vế tích nào trên thi thể khi chết. Còn với người đàn bà, thì như họ nói, sẽ bị xử tử bằng cách ném đá công khai. Môi-se viết trong Ngũ kinh rằng nếu hành động này này xảy ra tại thành phố, thì cả hai người đều sẽ bị ném đá. Người đàn bà này có tội không? Dĩ nhiên là bà có tội, vì bà ta bị bắt quả tang. Nghe có vẽ tục tằn, nhưng dường như bà ta bị nắm lôi ra khỏi người đàn ông khi hai người dan díu.
Chúa Giê-su đứng yên lặng tại đó nhìn thấy mọi diễn tiến đang xảy ra. Trước hết, Ngài biết rõ họ đang giăng một cái bẫy để nhử Ngài. Vì không ai thô tục đến độ lôi xồng xộc người đang bị bắt tại trận hành động tà dâm đem ra trước công chúng như vậy. Cho nên rõ ràng đây là một cái bẫy. Có những âm mưu phía sau việc này. Thứ hai, là điều rất quan trọng mà Chúa Giê-su nghĩ đến: “Người đàn ông cùng phạm tội với bà ta ở đâu? Tại sao họ không đem hắn ta đến đây?” Tôi xin nhắc để quý vị nhớ là câu 6 nói rất rõ ràng.
Họ nói vậy để thử Ngài, hầu cho có thể kiện Ngài. . .
Bản Kinh Thánh The Living Bible dịch là: “Họ đang gày bẫy Ngài.” Chúa Giê-su biết rõ điều đó. Nhưng lớp học Kinh Thánh của Ngài không biết. Người đàn bà không biết. Nhưng Ngài biết rõ họ, Ngài biết rõ họ đang gãy bẫy Ngài qua cách này.
Trước cái bẫy đó, họ nghĩ rằng Chúa Giê-su chỉ có hai cách để trả lời thôi, và cách nào thì cuối cùng cũng sẽ lọt vào bẫy của họ cả.
Thứ nhất, nếu Chúa Giê-su bảo: “Đúng rồi, hãy ném đá bà ta đi.” Thì họ sẽ gọi Ngài là kẻ giả hình. Bởi vì Ngài là người đang giảng dạy, đang xây dựng chức vụ trên nền tảng thương xót, tha thứ, ân điển và tình yêu. Và làm thế nào một người như vậy lại có thể nói: “Hãy giết người đàn bà phạm tội tà dâm quả tang ấy đi”? Hơn nữa, họ có thể tố cào Ngài với chính quyền La-mã, bởi vì chỉ có nhà cầm quyền La-mã mới có quyền kết án tử hình mà thôi. Chúa Giê-su không có quyền làm điều đó. Ngài không có quyền nói như thế, vì Ngài không có quyền hạn gì cả.
Câu trả lời thứ hai mà Chúa Giê-su có thể nói là: “Hãy tha cho bà ta đi!” Thì họ sẽ bảo Ngài đã phá hủy truyền thống Mishnah. Hoặc tệ hơn nữa, họ sẽ tố cáo Ngài đã phá hủy luật pháp Môi-se. Ngài đã tha bổng kẻ phạm tội tà dâm. Ngài là người phá hủy luật pháp.
Mời quý vị xem lại câu 4. Tôi không muốn quý vị bị thiếu mất một điểm nào hết trong câu chuyện này. Câu 4 cho biết những người này đang muốn gày bẫy Ngài. Nhưng họ nói với Chúa Giê-su rằng: “Thưa Thầy, người này bị bắt quả tang phạm tội tà dâm.” Tữ ngữ bị bắt ở trong câu này là một từ ngữ rất quan trọng. Nguyên ngữ Hy Lạp chữ này có nghĩa là
“chụp lấy, nắm lấy, chế ngự.” Và trong cách dùng thì của văn phạm trong câu này, pha lẫn với cú pháp của câu, cho thấy rằng chính họ là những người bắt bà ta cách quả tang. Họ chế ngự bà. Họ đã bắt lấy bà.
Như vậy thì người đàn ông phạm tội với bà này ở đâu? Có ba điều có thể xảy ra. Thứ nhất, hắn ta đã trốn thoát. Điều này khó tin được, bởi vì họ có rất đông người. Nếu họ có thể bắt người đàn bà, thì chắc chắn họ cũng có thể bắt được người đàn ông. Cho nên việc hắn ta trốn thoát khó đứng vững. Thứ hai, có thể hắn ta được họ thả cho đi, bởi vì người mà họ muốn bắt là người đàn bà này chứ không phải hắn ta. Vả lại, mục đích của họ không phải là bắt kẻ tội phạm, nhưng chỉ là cớ để gày bẫy Chúa Giê-su mà thôi. Và liên hệ đến điều thứ hai là điều thứ ba. Thật ra, có những bằng chứng rất mạnh, khi chúng ta đọc sự ký thuật này, cho thấy người phạm tội với bà là một người trong bọn của họ. Một người Pha-ri-si, hay một trưởng lão, hay một trong những người đang tố cáo bà. Đây không phải là một sự tưởng tượng vô căn cứ. Đây là điều dễ xảy ra hơn hết khi quý vị đọc xuyên qua câu chuyện và phân tích kỹ lưỡng sự áp dụng của nó.
Trước khi chúng ta nghiên cứu về sự trả lời của Chúa Giê-su, mời quý vị để thì giờ quan sát hành động của Ngài khi nghe câu chuyện. Câu 6 kết thúc,
. . . Nhưng Đức Chúa Jêsus cúi xuống, lấy
ngón tay viết trên đất.
Ngài “viết trên đất.” Đây là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất ghi lại việc viết lách của Chúa Giê-su. Lúc này và một lần ngay sau đó nữa, Ngài cũng làm một việc giống y như trước.
Ngài “viết trên đất.” Đây là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất ghi lại việc viết lách của Chúa Giê-su. Lúc này và một lần ngay sau đó nữa, Ngài cũng làm một việc giống y như trước.
Điều khiến tôi thích thú nhất là từ ngữ sứ đồ Giăng dùng để viết lại câu chuyện này. Tôi cho rằng sứ đồ Giăng là nhân chứng tận mắt câu chuyện. Ông có mặt tại đó khi câu chuyện này xảy ra. Sau đó ông có thời gian để suy nghĩ. Từ lúc câu chuyện xảy ra đến khi sứ đồ Giăng ghi lại đã trải qua một khoảng thời gian dài đến 60 năm. Và bây giờ, khi ngồi viết lại câu chuyện này vào cuối thế kỷ thứ nhất, ông nhớ lại những gì đã xảy ra. Và đang khi nhớ lại, ông đã sử dụng từ ngữ rất cẩn thận trong việc ký thuật này. Từ ngữ Hy Lạp sứ đồ Giăng dùng ở đây là katagrapho.
Chúa Giê-su đã viết gì trên vĩa hè đó? Ngài đã viết gì trên đất? Động từ grapho, có nghĩa là viết. Động từ graph trong tiếng Anh phát xuất từ động từ grapho này của Hy Lạp. Có nghĩa là viết. Và chữ kata có nghĩa là xuống (down). Nhưng chữ này không phải chỉ có nghĩ đó mà thôi, nhưng nó còn có nghĩa là chống lại (against) nữa. Cho nên câu này có nghĩa làm Chúa Giê-su “viết điều gì đó xuống đất; viết điều gì đó để chống lại.” Khi Cựu ước được dịch ra tiếng Hy Lạp do nhóm 70 học giả, thì trong Giop 13:26 cũng dùng cùng từ ngữ này. Tôi xin đọc bản Diễn ý của Mục sư Tiến sĩ Lê Hoàng Phu, hầu quý vị thấy rõ hơn, Gióp nói: “Chúa đã viết cáo trạng, Buộc tội con bằng lời cay đắng, Bắt con hứng chịu hết hậu quả của tội con phạm từ thuở ấu thơ.”
Câu này có nghĩa là “Chúa đã viết ra bảng cáo trạng, những lời cây đắng để chống lại tội lỗi của con.” Mệnh đề này có nghĩa là “viết những điều chống lại.” Một bản dịch truyền thống dịch rằng: “Ngài viết những điều công bố những tội lỗi của họ.” Có thể như vậy không? Có phải lúc đó Chúa Giê-su không nói một lời, chỉ cúi xuống viết ra những tội lỗi mà học đã phạm, bằng nét chữ lớn đủ để họ có thể đọc được không?
Sự yên lặng bị phá tan bởi lời nói của Chúa Giê-su. Nhưng trước khi đọc những lời nói của Ngài, mời quý vị xem lại một lần nữa câu Kinh Thánh này.
Họ nói vậy để thử Ngài, hầu cho có thể kiện Ngài. Nhưng Đức Chúa Jêsus cúi xuống, lấy ngón tay viết trên đất.
Vì họ cứ hỏi nữa, thì Ngài . . .
Cho nên quý vị đừng nghĩ rằng trong khi Chúa Giê-su đang cúi xuống vết dưới đất thì họ yên lặng đứng nhìn Ngài. Trái lại, họ cứ tiếp tục tốt cáo và thách thức Chúa Giê-su: “Thầy nghĩ sao về việc này? Thầy, là một người dạy luật, một Giáo sư tự xưng nhận! Thầy, người với câu trả lời của ân điển! Thầy nói sao về trường hợp của người đàn bà này?” Họ thúc giục Ngài. Họ liên tục nhấn mạnh điểm mình muốn, và ép Ngài phải đáp ứng.
Không nói một lời, Chúa Giê-su viết trên đất. Và cũng không nói một lời, Ngài đứng dậy. Rồi sự yên lặng đó bị phá tan khi Ngài nhìn thẳng vào bộ mặt tự cho là công bình của họ và nói với họ,
. . . Ai trong các ngươi là người vô tội, hãy trước nhứt ném đá vào người.
Tôi tin rằng không phải chỉ những lời trong Kinh Thánh được Chúa Thánh Linh soi dẫn, nhưng Ngài còn soi dẫn trong cách dùng chữ, cách sử dụng văn phạm, cách viết của trước giả nữa.
Trong cách viết của nguyên ngữ Hy Lạp vào
thế kỷ thứ nhất, khi muốn nhấn mạnh một chữ, người ta không phải gạch dưới, hay
viết nghiêng, hay đặt dấu chấm than như lới viết văn ngày nay. Nhưng khi muốn
nhấn mạnh, họ dùng cách đảo lộn thứ tự của từ ngữ trong câu.
Đặc
biệt đối với những từ ngữ mang ý nghĩa to lớn. Họ sẽ đặt những từ ngữ muốn nhấn mạnh hay có ý nghĩa to lớn trước
đầu câu. Do đó chữ đầu tiên trong câu này là “vô tội.” Vì vậy, theo đúng nguyên
ngữ câu này được sếp đặt như sau: “Vô tội, bất cứ ai, trước hết, trên người mà
ném đá.” Nghe không xuôi tai theo cách đặt câu của tiếng Việt. Nhưng đó
là cách để trước giả nhấn mạnh đến vấn đề vô tội.
Nói cách khác, Chúa Giê-su bảo: “Người đầu
tiên ta mời ném đá vào người đàn bà này là một người vô tội. Người ấy hãy chắc
rằng mình không có tội lỗi gì hết nghe chưa. Và như vậy người ấy xứng đáng để
mang sự sĩ nhục, sự đoán xét và ngay cả sự chết đến cho người đàn bà này. Người
đó phải chắc chắn rằng lòng mình tinh sạch, không vết, không nhăn, không chi
giống như vậy. Và người đó hãy ném viên đá đầu tiên.”
Tiếp theo là một sự yên lặng kéo dài. Một bầu không khí nặng nề phủ trùm trên sự yên lặng ấy. Giống như tất cả mọi người đều đang nín thở vậy. Không một lời nói nào vang lên cả. Chúa Giê-su nhìn họ. Họ trân trốn nhìn Ngài.
Ông Peter Marshall có lẽ là người thu nhận được quang cảnh này tốt hơn bất cứ người nào mà tôi đã có dịp đọc qua. Ông viết: “Nhìn thẳng vào mặt họ, Chúa Giê-su nhìn thấy thấu suốt những ngày của quá khứ nằm tận nơi sâu thẳm trong ký ức và lương tâm của họ. Ngài nhìn thấu tận đáy lòng của họ, và ngón tay Ngài viết ra: tà dâm, dố trá, giết người, say sưa, thờp lạy hình tượng, . . . Và tiếp theo là tiếng những viên đá rơi trở lại xuống vĩa hè. Các người Pha-ri-si bắt đầu bỏ đi. Từng người một, họ lặng lẽ rút lui, giống như những con thú rón rén bước đi trong bóng tối.”
Quý vị có thể hình dung ra quang cảnh đó không? Quý vị có thể nghe được tiếng những viên đá rơi trở lại xuống đất không? Quý vị có thể cảm giác được sự bẽ mặt, sự nhục nhã của những người đang bỏ đi không?
Mời quý vị nghe lại quang cảnh này.
Rồi Ngài lại cúi xuống cứ viết trên mặt đất.
Khi chúng nghe lời đó, thì kế nhau mà đi ra, những người có tuổi đi trước; Đức Chúa Jêsus ở lại một mình với người đờn bà, . . .
“Những người có tuổi đi trước.” Tôi cho rằng bởi vì tầm cỡ tội lỗi của họ lớn hơn tội lỗi của những người trẻ. Họ đứng đó nhớ lại cuộc đời của mình đã qua, và để tất cả những tư tưởng, hình ảnh của quá khứ trôi qua trí, và họ buông những viên đá xuống và bước đi khỏi chỗ đó. Giống như quý vị và tôi. Nói cách khác, Chúa Giê-su muốn bảo với họ rằng: “Không một ai trong các ngươi xứng đáng ném đá người đàn bà này cả, chỉ một mình ta mà thôi. Nhưng ta cũng sẽ không làm điều đó.”
Quang cảnh tiếp theo là những hình ảnh đối nghịch nhau.
. . . Đức Chúa Jêsus ở lại một mình với người đờn bà, người vẫn đương đứng chính giữa đó.
Có những lúc tôi nghĩ đến cảm giác sẽ như thế nào nếu được quay trở lại để có mặt tại những thời điểm của lịch sử, khi những biến cố đặc biệt xảy ra. Tôi nghĩ đến việc cảm giác sẽ như thế nào nếu đứng trên chiếc thuyền của Kha-luân-bố khi lần đầu tiên cặp vào bờ nước Mỹ. Tôi nghĩ đến cảm giác sẽ như thế nào nếu như có mặt trong Hội nghị Diên Hồng để nghe hiễu triệu của vua Trần Hưng Đạo. Tôi nghĩ đến cảm giác sẽ như thế nà nếu được có mặt trong đoàn hải quân của Ngô Quyền nhìn quân Tàu kêu cứu trên dòng Bạch Đằng giang. Tôi ước gì mình được có mặt trong những thời điểm lịch sử ấy. Và trong câu chuyện chúng ta đang học, đây cũng là thời điểm mà tôi ước gì mình có mặt tại đó, đem xem cảm giác sẽ như theế nào. Tôi muốn được có mặt trong lớp học Kinh Thánh hôm ấy của Chúa Giê-su, khi mà những kẻ tố cáo đã bỏ đi. Khi Chúa Giê-su nhìn thẳng vào mặt người đàn bà đáng tội chết nhưng vừa thoát khỏi, và đang đối diện với Đấng xứng đáng ném đá bà ta. Tôi thích nhìn thấy được gương mặt của bà ta lúc ấy, xem nó như thế nào.
Ông Nathaniel Hawthorne trong một tác phẩm tồn tại nhiều thập niên, mang tên “Lá Thư Mầu Đỏ Thẩm” viết như sau: “Lá thư màu đỏ thẩm là thông hành của bà ta để đi vào một vùng đất mà không một người đàn bà náo dám đặt chân đến. Sĩ nhục. Chán nản. Cô đơn. Hiu quạnh! Đó chính là những người thầy giáo nghiêm khắc và kỳ lạ của bà.”
Đó chính là người đàn bà trong câu chuyện này. Bà được dạy bài học nghiêm khắc và kỳ lạ của sự tà dâm, bà đứng đó xứng đáng với tội chết. Luật pháp đã nói rõ như thế. Không lầm lẫn, oan ức gì cả, bởi bà đã bị bắt quả tang đang khi phạm tội. Và bà ta đứng đó, và Ngài đang đứng đây. Mắt dán vào nhau. Tôi thấy trong suốt cả lịch sử và thời gian, quý vị không thấy được những hình ảnh đối nghịch độc đáo nào giống như được vẽ lên ở đây: một người đàn ông / một người đàn bà; một tội nhân / một Con Đức Chúa Trời vô tội; một người phạm tội tà dâm / một Chúa Cứu Thế.
Ngài phán: “Hỡi người đàn bà kia, họ đâu hết rồi? Những kẻ tố cáo đâu cả rồi? Họ không kết tội bà sao?” Lời nói duy nhất của người đàn bà này trong suốt toàn bộ Kinh Thánh chỉ tìm thấy trong câu 11, bà nói rất đơn giản: “Lạy Chúa, không ai hết!” Đó quả thật là một thời điểm vĩ đại. Quý vị biết câu nói này bao gồm cả chính cá nhân của bà ta nữa: “Không ai hết,” kể cả bà ta. Lần đầu tiên trong cuộc đời bà hiểu được, kinh nghiệm được thế nào là thật sự được tự do thoát khỏi sự xấu hổ, nhục nhã và tội lỗi kinh khiếp của mình. “Lạy Chúa, không ai hết! Không ai hết!” Và lời đáp ứng tuyệt vời của Chúa Giê-su rằng,
. . . Ta cũng không định tội người; hãy đi, đừng phạm tội nữa.
“Hãy tiếp tục sống với cuộc đời còn lại của con. Đừng phạm tội nữa.” Khi luật lệ và thành khiến lên án, sự thù ghét ngồi ghế của quan tòa. Khi sự thành thật và thương xót đương đầu, tình yêu ngồi ghế chủ tọa. Thật là kỳ diệu phải không quý vị? Người duy nhất trên thế gian này đủ tiêu chuẩn để kết tội người đàn bà trong sự nhục nhã của bà ta, thì Người ấy đã không làm. Tôi nghĩ đó là lần đầu tiên trong cuộc đời bà ta cũng không còn tự kết án mình nữa. Lương tâm của bà không còn tố giác bà ta nữa, bởi Đấng vô tội đã tha thứ cho bà.
Mời quý vị lắng nghe câu Kinh Thánh tuyệt vời này. Xin quý vị chú ý lắng nghe.
Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Jêsus Christ;
Xin lập lại.
Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Jêsus Christ;
Từ ngữ “đoán phạt” trong nguyên ngữ Hy Lạp là “krino.” Nó là chữ gốc của từ đoán xét. Từ ngữ “sự đoán phạt” là katakrino, một hình thức đoán phạt tệ hại nhất thuộc cõi đời đời.
Cho nên hiện nay chẳng còn có karakrino nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Jêsus Christ;
Và đó chính là điều Chúa Giê-su nói với người đàn bà này. Và đó cũng chính là điều mà người đàn bà tin cậy. Bà có khả năng bước đi và thay đổi toàn diện lối sống của mình, bởi vì bà không để cho sự xấu hổ, nhục nhã trì kéo, hạ bà ta xuống.
Tôi uớc gì mình có quyền phép để tuyên bố với tất cả quý vị thính giả đang lắng nghe rằng: “Hỡi sự xấu hổ, nhục nhã hãy cút đi! Hỡi sự tự lên án, hãy cút đi!” Nhưng tôi không thể làm được điều đó. Cho nên tôi chỉ giới hạn qua những lời nói và những thí dụ cùng quý vị. Tôi phó thác điều đó cho sự hành động của Chúa Thánh Linh trong tấm lòng và đời sống của từng quý vị. Cầu xin Ngài dùng sứ điệp và những thí dụ tôi chia xẻ đặt sâu và tấm lòng của quý vị. Bởi một số người trong quý vị cần phải nghe những lời này: “Hỡi sự xấu hổ, hãy cút đi. Hỡi sự kết án, hãy rời khỏi cuộc đời của ta! Vâng, ta đã thất bại. Ta đã phạm tội cách quả tang. Ta là người có tội! Nhưng trước mặt Chúa và Cứu Chúa của ta, ta đã được tha bổng!” (AIFL-204, TS).
Có hai ý tưởng liên hệ khi tôi suy nghĩ đến quang cảnh gặp Chúa Cứu Thế tại Nẻo Đường Thập Tự của sự xấu hổ.
Thứ nhất, tất cả những ai không đủ tiêu chuẩn kết án chúng ta, họ lại sẽ làm điều đó. Hãy tin tôi đi. Những người mà tấm lòng của họ còn nặng nề hơn những viên đá cầm trong tay sẽ tiếp tục ném nó đi. Đề nghị của tôi là hãy lánh xa những người như thế. Hãy lánh xa họ. Hãy tránh thật xa những con người vẫn đang ném những viên đá vào quý vị.
Đây là ý tưởng thứ hai. Đấng đủ tiêu chuẩn kết tội quý vị lại sẽ không làm điều đó. Hãy đến gần với Ngài. Bởi vì càng gần Ngài quý vị sẽ khám phá ra là quý vị càng chóng bình phục hơn. Và giống như người đàn bà này, quý vị có khả năng ra đi tiếp tục với cuộc đời mà không hề phạm tội nữa.
Tô nhớ đến câu chuyện Thiên Lộ Lịch Trình do ông John Bunyan viết. Nhân vật chính trong câu chuyện là Cơ-đốc đồ, người đang hành hương đi đến Thiên Thành. Cơ-đốc đồ bước đi với hành trang nặng trĩu trên lưng. Gánh nặng đó được buộc chặt vào thân thể anh ta bằng những sợi dây mà không có gì có thể cắt đứt được. Anh không có cách nào để cất bỏ đi gáng nặng khỏi mình. Gánh nặng đó là sự xấu hổ, nhục nhã, khinh miệt và sự tự kết án. Anh ta gặp nhiều hạng người khác nhau, nhưng không ai giúp anh được cả. Mãi cho đến khi anh đến Cửa hẹp, anh mở cửa và bước đi trên con đường chật, dẫn anh ta đến gặp một Người. Là Người duy nhất đủ tiêu chuẩn để kết án anh ta, nhưng Ngài đã không kết tội anh. Người đó chính la Chúa Cứu Thế Giê-su. Cơ-đốc đồ nhìn xuyên qua vực thẳm và thấy từ đàng xa một thập tự giá và ngôi mộ trống. Và anh ta khám phá ra rằng qua việc chiêm ngưỡng và suy gẫm về thập tự giá và mộ trống, gánh nặng anh mang trên lưng bắt đầu đứt ra.
Và ông John Bunyan viết tiếp: “Từ xa tôi đến với gánh nặng của tội lỗi tôi, không có điều gì làm giảm được sự đau buồn tôi đang gánh chịu, cho đến khi tôi đến chỗ này. Đây là chỗ gì vậy? Có phải là chỗ khởi đầu của niềm hạnh phúc của tôi không? Có phải đây là chỗ gánh nặng của tôi lìa khỏi không? Có phải đây là chỗ sợi dây từng cột chặt gánh nặng của tôi đứt ra không? Phước hạnh thay là thập tự giá! Phước hạnh thay là ngôi mộ trống xưa! Phước hạnh hơn thế nữa là người đã mang sự sĩ nhục của tôi!”
Điều gì cần làm để đem quý vị đến chỗ phước hạnh ấy? Tôi có làm cho tội lỗi của quý vị nhẹ hơn không? Không hề như vậy. Vì tội của quý vị nên Ngài đã bị đóng đinh trên thập tự giá. Vì tội lỗi của chúng ta đã khiến sự thông công của Con Đức Chúa Trời bị ngăn cách với Đức Chúa Cha. Vì sự sa ngã, vì sự sai quấy, vì sự sĩ nhục, vì sự đoán phạt của chúng ta đã khiến tay và chân Ngài bị đóng đinh, và mạng sống Ngài phải mất đi.
Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời.
“Phước hạnh thay là thập tự giá! Phước hạnh thay là ngôi một trống xưa! Phước hạnh hơn thế nữa là người đã mang sự sĩ nhục của tôi!” Và bởi vì Ngài đã mang lấy sự sĩ nhục thay tôi, nên tôi, giống như người đàn bà phạm tội tà dâm bị bắt quả tang, có khả năng bước đi và tiếp tục cuộc sống cho dù tôi có phạm tội. Thưa quý vị thính giả thân mến, điều đó được gọi là ân điển. Và bất cứ ai đang mang sự sĩ nhục cần phải nghe đi nghe lại sứ điệp này mỗi ngày. Một số trong quý vị đang là những con người đó.
Kính mời quý vị có thể cúi đầu nhắm mắt trong giây phút không? Chúa chúng ta không phải đến để kêu gọi người công bình, nhưng để kêu gọi tội nhân đến sự ăn năn. Đáng tiếc thay những người không nhận lãnh sứ điệp ấy, lại tự cho mình là người đoán xét sự công bình của chúng ta. Họ kết tội người khác mà không hề được phép, không đủ tiêu chuẩn. Trở nên quan án, công tố viên kết tội chúng ta mà không hề được sự cho phép từ trên cao. Thảm trạng là chúng ta lại nghe họ và chúng ta tin nơi họ. Hôm nay tôi mời quý vị đến với Đấng đủ tiêu chuẩn để đoán xét và kết án quý vị, nhưng bởi vì sự chết của Ngài đã có giá trị khiến quý vị được tự do. Nhưng điều này cần sự đáp ứng của quý vị. Nó không tự động xảy ra. Nó cần quý vị đến mặt đối mặt tại thập tự giá với Chúa Cứu Thế, và quý vị cần phải nhận biết tội lỗi của mình, nhận biết sự sai phai của mình, nhận biết rằng quý vị đáng bị hình phạt, và nhận biết sự chết của Ngài thay cho tội lỗi của quý vị. Huyết Ngài thanh tẩy mọi tội lỗi của quý vị.
Điều lý
thú là ngay cả nhiều người trong quý vị, là những Cơ-đốc nhân, cũng cần đến sứ
điệp này. Quý vị tiếp tục sống trong sự tự lên án về những sai quấy của mình,
dù quý vị đã tiếp nhận Chúa Giê-su làm Cứu Chúa của mình rồi. Quý vị quên rằng
“hiện nay chẳng còn sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Chúa Cứu Thế Giê-su.”
Không còn sự đoán phạt nào cả!
Tôi kính mời quý vị bởi đức tin đến với Ngài hôm nay, hãy tiếp nhận Chúa Giê-su nếu quý vị là người còn ở ngoài đại gia đình của Ngài. Hoặc tái lập mối thông công với Chúa Cứu Thế qua việc xưng nhận tội lỗi và sự sai quấy, sa ngã của mình, và nhận lấy ân điển của Ngài, nếu quý vị là người đã ở trong gia đình của Ngài rồi. Thưa quý vị thính giả thân mến, tiếp tục sống trong sự tự lên án là một lối sống phản tác dụng tê hại nhất mà quý vị chưa từng thấy trước đây.
Lạy Cha yêu thương, con cảm ta Ngài, bởi ân điển Ngài đang kêu gọi những người bất toàn, những người tội lỗi, những người có đủ lý do để hổ thẹn về chính mình, những người thất bại, sa ngã, những người làm điều sai trật, đến với Ngài và tìm thấy trong Ngài sự giải tỏa gánh nặng, và sự hy vọng vượt lên trên hiện tại và được giải cứu khỏi sự sĩ nhục. Hôm nay com cầu nguyện đặc biệt xin Cha đem đến cùng Ngài những con người chưa tìm được cách khiến những kẻ tố cáo bên trong họ im lặng. Xin Cha ban cho họ bước đầu tiên của tiến trình đi đến chỗ được giải tỏa. Nguyện xin họ tìm được niềm vui tuyệt đối trong cuộc sống bởi ân điển. Bởi vì công tác cứu chuộc của Chúa Cứu Thế Giê-su, Cứu Chúa của chúng con đã hoàn tất trên thập tự giá. Xin Cha cho những ai nghe chương trình phát thanh hôm nay, nhưng vẫn còn ở bên ngoài gia đình của Ngài, sẽ mở lòng tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-su, để được trở nên con cái trong đại gia đình của Cha như lời Ngài đã hứa. Con thành tâm cầu nguyện trong danh Chúa Cứu Thế Giê-su. A-men!