BÀI
HỌC 8
Các
Sách Tiên Tri
Vài
Vấn Đề Giải Kinh
A. Giới thiệu bài học
Mục đích bài học: Giúp học viên biết được bản chất của các sách tiên tri Cựu Ước cũng như
vai trò của sự nói tiên tri đối với xã hội Y-sơ-ra-ên trong bối cảnh vùng Cận
Đông Cổ (Ancient Near East). Bài học này
cũng nhằm giới thiệu một vài trường phái nghiên cứu trong lịch sử giải nghĩa
các sách tiên tri.
B.
Nội dung bài học:
1. Vài điểm cần
biết về sự phân chia các sách Tiên Tri
Theo truyền thống của Cơ-đốc
giáo, Cựu Ước được chia ra làm bốn phần: (1) Ngũ Kinh; (2) Các Sách Lịch Sử;
(3) Văn Thơ; và (4) Các Sách Tiên Tri.
Đứng ngay sau Ngũ Kinh, phần (2), (3), và (4) gồm 34 sách từ Giô-suê đến
Ma-la-chi là một tập hợp của những sách viết về nhiều chủ đề khác nhau nhằm
những mục đích khác nhau. Vì khuôn khổ
giới hạn của bài học, chúng ta không thể nào đi sâu vào hết tất cả những chủ đề
của khối sách này. Do đó, bài học này
chỉ nhằm giới thiệu một chủ đề chính rất quan trọng trong việc hiểu và giải
nghĩa Cựu Ước: các sách Tiên Tri, là bộ sưu tập những mặc khải của Đức Chúa
Trời phán cho dân Y-sơ-ra-ên qua sự trung gian của các vị tiên tri.
Theo cách phân chia 4 phần
theo Cơ-đốc giáo, các sách tiên tri gồm có các sách của 4 “Đại Tiên Tri”
(Ê-sai, Giê-rê-mi, Ê-xê-chi-ên, và Đa-ni-ên) và 12 “Tiểu Tiên Tri” (12 sách từ
Ô-sê đến Ma-la-chi). Sự phân chia “Đại”
và “Tiểu” này là do độ dài của sách chứ không phải với mục đích nói rằng vị
tiên tri này là quan trọng hơn vị tiên tri kia.
Trong số các vị tiên tri này, tiên tri A-mốt là vị sớm nhất (786 – 746
TC) và cũng là người đầu tiên đã thu thập những lời tiên tri của ông và chép
lại thành sách để chúng ta có được sách A-mốt trong bộ Cựu Ước.
Tuy nhiên, theo truyền thống
của người Do-thái, Cựu Ước được chia ra chỉ có 3 phần: Luật Pháp (Ngũ Kinh),
Tiên Tri, và Văn Thơ. Dĩ nhiên, phần Ngũ
Kinh thì không có gì khác nhau giữa truyền thống của người Do-thái và Cơ-đốc
giáo. Nhưng phần còn lại thì sự phân
loại các sách của hai truyền thống khác nhau khá nhiều. Ví dụ như sách Đa-ni-ên không được xem là
sách tiên tri theo truyền thống Do-thái giáo.
Ngược lại, một số sách được xem như là thuộc vào nhóm “Lịch Sử” theo
truyền thống Cơ-đốc giáo như Giô-suê, Các Quan-xét, 1 & 2 Sa-mu-ên, và 1
& 2 Các Vua thì lại được truyền thống Do-thái giáo xếp vào nhóm sách tiên
tri và được gọi là “Tiền Tiên Tri” để phân biệt với “Hậu Tiên Tri” (là 16 tiên
tri của nhóm “tiên tri” theo cách phân chia của Cơ-đốc giáo). Về việc xếp nhóm các sách “Hậu Tiên Tri” thì
không có gì khác nhau giữa Do-thái giáo và Cơ-đốc giáo (ngoại trừ cách gọi
tên). Dưới đây, chúng ta sẽ tìm hiểu
những sự khác nhau trong quan điểm giải kinh của Do-thái giáo và Cơ-đốc giáo
đối với nhóm sách gọi là “Tiền Tiên Tri” (theo truyền thống Do-thái giáo) ở
trên.
Nhìn từ góc độ của Cơ-đốc
giáo, các sách Giô-suê, Các Quan-xét, 1&2 Sa-mu-ên, 1&2 Các Vua được
xem là các sách lịch sử. Quan niệm này
cũng rất phù hợp so với bản chất của các sách này vì chúng chứa đựng những câu
chuyện về dân tộc Y-sơ-ra-ên được sắp xếp theo một trình tự rõ ràng để kể lại
lịch sử của dân tộc Y-sơ-ra-ên kể từ thời gian họ bước vào xứ Ca-na-an (Giô-suê
1) cho đến khi Giê-ru-sa-lem bị chiếm và dân Giu-đa phải bị lưu đày qua
Ba-by-lôn (2 Các Vua 25). Trong giới học
giả Cơ-đốc giáo, những sách lịch sử này còn được gọi là lịch sử Phục Truyền vì
chúng phản ánh tư tưởng thần học của sách Phục Truyền Luật Lệ Ký. Trong ánh sáng thần học này, nhóm sách trên
là câu chuyện lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên được dùng để minh họa một nguyên tắc
thần học quan trọng của sách Phục Truyền: sự
bội nghịch luật pháp của Đức Chúa Trời (được ghi rõ trong Phục-truyền Luật-lệ
Ký) chắc chắn sẽ dẫn đến sự trừng phạt và sự thu hồi lại những phần thưởng mà
Đức Chúa Trời đã hứa với tổ phụ của dân tộc Y-sơ-ra-ên về Đất Hứa. Quả thật, nguyên tắc này được minh chứng bởi
sự kiện những câu chuyện về “cái vòng luẩn quẩn” của dân Y-sơ-ra-ên (phạm
tội/ăn năn kêu cầu/được tha thứ/được ban phước sung túc/sinh kiêu ngạo/phạm
tội) cứ được lập đi lập lại trong suốt các sách này.
Nhưng theo truyền thống của
Do-thái giáo, các sách trên được gọi là các sách “Tiền Tiên Tri.” Có hai lý do cho quan niệm này. Trước hết, các sách này được gọi như vậy là
vì vai trò trung tâm của các tiên tri trong những ký thuật lịch sử nói
trên. Thứ hai, các vị “Tiền Tiên Tri”
này sống trước thời các vị “Hậu Tiên Tri” (bắt đầu từ tiên tri A-mốt). Dưới cách nhìn này, những câu chuyện về lịch
sử Y-sơ-ra-ên được xem như là sự ứng nghiệm của những lời tiên tri mà Đức Chúa
Trời đã dùng các tiên tri để công bố ý muốn của Ngài đối với họ. Khi dân tộc đi theo đường lối của Đức Chúa
Trời thì họ được ban phước dư dật, và khi họ đi ngược lại ý chỉ của Ngài thì
dân tộc sẽ bị trừng phạt nặng nề. Phương
pháp nghiên cứu những sách “Tiền Tiên Tri” bằng cách lần theo dấu vết của những
hoạt động của các vị tiên tri trong các sách này cũng là một phương pháp bổ ích
cho việc nghiên cứu. Đã có nhiều học giả
đề ra những phương pháp nghiên cứu dựa vào việc xếp nhóm theo “ngữ vựng tiên
tri” (prophetic vocabulary) hoặc “những hình thức nói tiên tri” (prophetic
speech forms). Tuy nhiên việc xếp nhóm
này cũng rất đa dạng, và sự phù hợp của nó còn tùy theo từng sách một. Cách xếp nhóm này rất thích hợp đối với Giô-suê,
Các Quan-xét, 1&2 Sa-mu-ên, nhưng các học giả lại gặp nhiều khó khăn khi đến
1&2 Các Vua. Giản đồ “lời tiên
tri/sự ứng nghiệm” chỉ phù hợp với phần lịch sử nói về vương quốc Y-sơ-ra-ên
phía Bắc, nhất là sự sụp đổ của Sa-ma-ri, trong khi đó thì phần chép về vương
quốc Giu-đa phía Nam thì thiên về chủ đề chính trị và những cuộc cải cách tôn
giáo.
Khi so sánh hai quan điểm
trên về các sách gọi là “Tiền Tiên Tri” theo truyền thống của Do-thái giáo nói
riêng và về sự phân chia các sách lịch sử và tiên tri nói chung, chúng ta rất
dễ dàng nhận thấy rằng ranh giới giữa những sách gọi là “lịch sử” và những sách
“tiên tri” thật rất uyển chuyển. Là
những người nghiên cứu Cựu Ước từ góc độ của Cơ-đốc giáo, chúng ta có thể khẳng
định tính lịch sử của các sách lịch sử (theo cách phân chia của chúng ta),
nhưng chúng ta cũng cần để ý tính cách tiên tri của nhóm sách “Tiền Tiên Tri”
theo truyền thống của Do-thái giáo.
Ngược lại, chúng ta cũng có thể rút ra những tư liệu lịch sử từ những
sách được mệnh danh là “tiên tri” theo quan điểm Cơ-đốc giáo.
2. Sự tiên tri
giữa bối cảnh vùng Cận Đông Cổ Đại
Được sự kêu gọi của Đức Chúa
Trời, những tiên tri Cựu Ước đã mang sứ mạng truyền ra những sứ điệp thiên
thượng cho những người lãnh đạo và dân chúng Y-sơ-ra-ên trong những bối cảnh xã
hội và lịch sử nhất định. Những tiên tri
đã lên tiếng về những sự bất công và áp bức trong xã hội, những hiểm họa và sự
dã man của chiến tranh, sự thờ thần tượng, những tình trạng suy đồi về đạo đức
và lòng trung thành đối với Đức Chúa Trời, những tiếng kêu than của người dân
trong thời kỳ lưu đày, v.v... Tất cả
những điều này ngụ ý rằng những sứ điệp của những tiên tri chỉ có thể hiểu được
một cách đầy đủ và trung thực khi người nghe hiểu được bối cảnh cụ thể về
phương diện xã hội, văn hóa, chính trị, và tôn giáo khi vị tiên tri cất tiếng
lên để rao ra những lời của Đức Chúa Trời.
Tuy nhiên hiện tượng “nói
tiên tri” không phải chỉ xuất hiện duy nhất tại Y-sơ-ra-ên. Nagy cả trước khi dân tộc Y-sơ-ra-ên ra đời,
những dân tộc ở vùng Cận Đông đã có những “tiên tri” của họ. Trong những xã hội này, những “tiên tri” thật
ra có nhiều danh hiệu khác nhau và có nhiều “sứ điệp” khác nhau. Chính Cựu Ước cũng cho thấy sự hiện hữu của
việc tiên tri trong những dân tộc khác, thí dụ như việc đề cập đến những tiên
tri của thần Ba-anh của Ca-na-an. Tuy
nhiên, khi nói đến hiện tượng tiên tri trong thời Cựu Ước, người ta rất dễ lẫn
lộn giữa những những hiện tượng như “lên đồng bóng” hoặc “bói khoa” với “nói
tiên tri.” Những sự lẫn lộn này cũng
thường xảy ra ngay trong xã hội Do-thái.
Trong vòng cộng đồng
Y-sơ-ra-ên, có 3 từ ngữ thường được dùng nhiều nhất để nói về các tiên tri: nabi—tiên tri (prophet), hozeh—người đoán tương lai (seer), và
một danh hiệu mang tính chất chung chung là is
elohim—người của Đức Chúa Trời. Đôi
khi, một tiên tri có thể mang cả danh hiệu nabi
và hozeh, nhưng thường thì luôn
có sự phân biệt giữa hai danh hiệu này (1 Sa-mu-ên 9: 9). Ngoài ba danh hiệu kể trên, còn có vài danh
hiệu khác nữa để chỉ về các tiên tri ở vùng Cận Đông, nhưng những danh hiệu này
ít khi được dùng đến. Một điều đáng lưu
ý nữa là mặc dù phần lớn tiên tri thường là nam giới, nhưng cũng có những nữ
tiên tri (ví dụ như nữ tiên tri Hun-đa
được đề cập đến ở 2 Các Vua 22: 14).
Việc Ê-xê-chi-ên rủa sả những nữ tiên tri giả ở Ê-xê-chi-ên 13: 17 cho
thấy rằng Hun-đa không phải là người nữ tiên tri duy nhất mà còn nhiều người
như vậy.
Về nội dung của những lời
tiên tri thì những lời tiên tri này thường là những sứ điệp nhắn gửi đến các vị
lãnh đạo đất nước, nhất là các vị vua, dù thỉnh thoảng cũng có những lời tiên
tri gửi đến cho cả dân tộc. Bằng chứng
Cựu Ước về Na-than, Gát, A-hi-gia cho thấy ở các quốc gia Cận Đông thời đó,
cũng như tại Y-sơ-ra-ên, có các vị tiên tri cung đình (học giả Robert Wilson
gọi là “tiên tri trung ương”—central prophets—để tiện việc nghiên cứu). Thường thì các vị tiên tri này mang những sứ
điệp có tính trấn an, nói về việc sẽ đánh bại quân địch và đoan chắc về sự quan
phòng của các thần linh. Nội dung tiên
tri thường có tính trấn an này cũng là chuẩn mực của việc nói tiên tri vào thời
bấy giờ. Tuy nhiên, lời tiên tri của các
sách Cựu Ước lại không theo đúng như kiểu mẫu này mà thường là những lời tiên
tri phán xét, đi ngược lại “chuẩn mực tiên tri” đương thời. Chính việc này cho ta hiểu được lý do tại sao
các tiên tri Cựu Ước, mà đa số là các tiên tri xuất thân từ dân chúng (Robert
Wilson đặt cho họ là “tiên tri ngoài lề”—peripheral prophets), thường bị ghét
bỏ và bắt bớ. Chúng ta có thể xem việc
nói tiên tri của Giê-rê-mi và Ha-na-nia trong thời vua Ê-xê-chia làm thí dụ. Lời tiên tri trấn an của vị tiên tri cung đình
là Ha-na-nia cho vua Ê-xê-chia là lời tiên tri đúng “tiêu chuẩn” và là lời được
nhà vua mong đợi, trong khi sứ điệp phán xét gay gắt của Giê-rê-mi thì dĩ nhiên
không được nhà vua lắng nghe (Giê-rê-mi 28).
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý là dù các tiên tri “trung ương”
thường thường “nói xuôi” theo các vị vua (có lẽ là vì quyền lợi của họ) nhưng
thỉnh thoảng cũng có những vị tiên tri khẳng khái lên tiếng nói nghịch lại các
vị vua về những tội lỗi của họ, thí dụ như tiên tri Na-than và vua Đa-vít.
3. Sự nói tiên
tri trong bối cảnh của Y-sơ-ra-ên
a. Nguồn gốc
Ngoại trừ những sự mô tả về
chức vụ tiên tri của Môi-se, những dữ kiện trong Cựu Ước về thời kỳ phôi thai
của Y-sơ-ra-ên không cho biết rõ ràng lắm về nguồn gốc của phong trào “nói tiên
tri” rộng rãi trong vòng dân chúng. Tuy
nhiên, những dữ kiện dù ít ỏi này cũng cho thấy ngay từ thời kỳ của các tộc
trưởng Y-sơ-ra-ên, những tiên tri đã đóng một vai trò khá quan trọng trong việc
bảo tồn sự lành mạnh của xã hội qua chức vụ nói tiên tri của họ. Nói chung, những tiên tri gánh vác trách
nhiệm đem lại sự thống nhất của dân tộc và mang lại những thay đổi tích cực
trong xã hội. Họ cũng có thể đóng một
vai trò nhất định trong đời sống tôn giáo và chính trị của đất nước. Những (nữ) tiên tri như Mi-ri-am và Đê-bô-ra
chắc là đóng một vai trò khá quan trọng trong việc chinh phục Đất Hứa và cuộc
thánh chiến của dân Y-sơ-ra-ên.
Những câu chuyện trong thời
kỳ Các Quan-xét cho thấy các tiên tri có thể có những mối liên hệ với những nơi
thờ phượng, nhưng những tiên tri thời này có lẽ không đóng vai trò của những
thầy tế lễ, trừ Sa-mu-ên. Những bằng
chứng từ các sách Sa-mu-ên cho thấy cách hành xử của những tiên tri này có lẽ
là phản ánh chức vụ của tiên tri Môi-se.
Theo sự ký thuật của Cựu Ước, trong khi phần lớn những tiên tri như vậy
không nắm một chức vụ chính trị hoặc tôn giáo nào rõ ràng, một số ít tiên tri
như Sa-mu-ên lại đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống tôn giáo và
chính trị của Y-sơ-ra-ên. Nói chung,
thẩm quyền của những tiên tri được thừa nhận bởi xã hội, và nhờ sự thừa nhận đó
mà họ có thể điều hòa xã hội và đem đến những thay đổi cần thiết để tạo ra sự thăng bằng trong đời sống toàn
dân. Thẩm quyền này được thấy một cách
rõ ràng trong việc Y-sơ-ra-ên chuyển từ chế độ chi phái (bộ tộc) sang chế độ
quân chủ; sở dĩ sự chuyển tiếp này được thực hiện một cách êm thắm là nhờ vào
sự “hợp thức hóa” của Sa-mu-ên, một tiên tri theo truyền thống Môi-se.
Những tiên tri ngoài việc
đóng vai trò trung gian giữa Đức Chúa Trời và dân chúng để truyền đạt những chỉ
thị của Ngài—nabi, họ còn đóng vai
trò của những người cầu thay—ro eh. Tuy nhiên, vì chức năng của tiên tri luôn
bao gồm cả hai vai trò này nên sau đó chỉ còn từ ngữ nabi được dùng và đủ để diễn tả chức vụ hai khía cạnh của họ; từ
ngữ ro eh không còn cần thiết nữa.
b. Sự phát
triển
Khi vương triều Đa-vít được
thành lập, những tiên tri đã trở thành một phần của triều đình—tiên tri “trung
ương” theo như cách đặt danh hiệu của Robert Wilson. Cũng như việc Đa-vít đã thống nhất sự thờ
phượng giữa Ép-ra-im (đặt trung tâm tại Si-lô) và Giê-ru-sa-lem bằng cách bổ
nhiệm hai thầy tế lễ cả (A-bia-tha và Xa-đốc, dù chức vụ của Xa-đốc có vẻ thấp
hơn A-bia-tha—xem 1 Các Vua 2: 26 – 27, 35), một người từ Ép-ra-im và một người
từ Giê-ru-sa-lem, chắc hẳn là ông cũng đã có biện pháp dung hòa khi đưa những
tiên tri vào trong cơ chế lãnh đạo chính quyền trung ương. Những tiên tri này đóng vai trò giữ vững sự
ổn định xã hội, khuyến khích sự thay đổi tích cực nhằm xây dựng đất nước, và
chống lại những những gì đe dọa sự thanh bình của xã hội.
Sau thời kỳ trị vì của
Sa-lô-môn, cùng với sự chia đôi đất nước, những tiên tri cũng chia rẽ ra làm
hai quan điểm thần học khác nhau. Khi
nhà A-bia-tha bị trục xuất đến A-na-thốt, nhóm tiên tri theo truyền thống Ép-ra-im
củ lại xuất hiện. Nhóm tiên tri ở
Ép-ra-im bây giờ cổ xướng một quan điểm thần học mới. Quan điểm này là một sự kết hợp của những
truyền thống thần học củ của phía Bắc với sự ủng hộ đối với triều đại Đa-vít
(củ) và sự công nhận Giê-ru-sa-lem như là đền thờ trung ương. Nhóm này ủng hộ sự thành lập vương quốc phía
Bắc qua hành động của tiên tri A-hi-gia (1 Các Vua 11: 29 – 32), có lẽ là muốn
có lại được quyền lực như trước đây trong thời vua Đa-vít. Nhưng chẳng bao lâu sau đó, họ đã bị
Giê-rô-bô-am phản bội bằng cách dựng bò vàng tại Bê-tên và Đan. Kết quả là nhóm tiên tri này bây giờ trở
thành “ngoài lề” đối với cả hai phía, và do đó họ nói tiên tri lên án cả hai
vương triều phía Bắc và phía Nam. Khi
vương triều phía Bắc đã được thành lập vững vàng, một số tiên tri lại xuất hiện
trong hệ thống cai trị của chính quyền trung ương. Tuy nhiên, những tiên tri này không giống như
những tiên tri theo truyền thống Ép-ra-im ngày trước. Trong vòng họ có những tiên tri theo Đức Chúa
Trời (nhưng không còn là chính thống nữa) và cũng có cả những tiên tri theo
Ba-anh. Họ ủng hộ một sự thờ phượng ở
Bê-tên mà ở đây sự thờ phượng này là một sự pha trộn những tôn giáo khác với sự
thờ phượng Đức Chúa Trời. Chính vì lý do
này mà họ đã xung khắc gay gắt với những tiên tri “ngoài lề” theo truyền thống
chính thống của Ép-ra-im. Những sự xung
đột này kéo dài cho tới ngày sụp đổ của vương triều phía Bắc, và được ghi lại
trong những câu chuyện về tiên tri Ê-li và trong 1 Các Vua 22.
Đối với vương quốc phía Nam , thành công
lớn nhất của những tiên tri “ngoài lề” theo truyền thống Ép-ra-im là hai cuộc
cải cách tôn giáo của Êxê-chia và Giô-sia.
Trong thời gian này, có lẽ họ lại được trọng dụng trong triều các vị vua
này. Nhưng ngoại trừ hai thời kỳ “thành
công” ngắn gủi này, đa số các vua của triều đình phía Nam không có thiện cảm
với nhóm tiên tri này vì những lời tiên tri găy gắt lên án triều đình, thí dụ
như Giê-rê-mi. Cũng có những bằng chứng
về những xung đột giữa nhóm tiên tri “ngoài lề” này và nhóm tiên tri “trung
ương” ở triều đình Giê-ru-sa-lem. Nhóm
tiên tri “trung ương” ở Giê-ru-sa-lem ủng hộ tư tưởng thần học cho rằng vương
triều phía Nam là chính nghĩa trong mắt Đức Chúa Trời, là kẻ thừa kế chính thức
của những lời hứa mà Đức Chúa Trời dành cho nhà Đa-vít (trừ Ê-sai cũng là một
tiên tri “trung ương” nhưng đã lên tiếng cảnh báo triều đình). Sự ủng hộ vương triều phía Nam một cách thiếu
suy xét và bất chấp những sai lầm của triều đình của những tiên tri “trung
ương” này chính là nguồn gốc của những xung khắc giữa họ và nhóm tiên tri
“ngoài lề” theo truyền thống Ép-ra-im.
Khi đến lượt vương triều
phía Nam
sụp đổ năm 586TC, Giu-đa rơi vào thời kỳ lưu đày Ba-by-lôn. Sự lưu đày này bây giờ được hiểu như là sự
ứng nghiệm của những lời tiên tri của truyền thống Ép-ra-im. Do đó, chúng ta có thể thấy được lý do vì sao
mà nhóm tiên tri này trở nên có uy tín trong thời kỳ lưu đày. Chính vì ảnh hưởng của họ mà có sự ra đời của
một truyền thống mới trong thời kỳ lưu đày và hậu lưu đày sau này. Truyền thống này chính là một sự dung hòa
giữa truyền thống “chính thống” Ép-ra-im và truyền thống Giê-ru-sa-lem.
c. Vai trò
Mối quan hệ giữa những tiên
tri Y-sơ-ra-ên với toàn xã hội, cũng như với triều đình và hệ thống tôn giáo
đương thời là một mối quan hệ khá phức tạp.
Một trong những đặc điểm của một tiên tri là vị trí xã hội của người
này. Bằng chứng Cựu Ước cho thấy việc
xung khắc tư tưởng của những tiên tri thuộc những vị trí xã hội khác nhau là
việc thường thấy. Câu chuyện của tiên
tri Mi-chê, một tiên tri “ngoài lề”, đối kháng với lời tiên tri của bốn trăm vị
tiên tri “trung ương” là một thí dụ điển hình (1 Các Vua 22). Cách dùng “nhãn hiệu” như “trung ương” hoặc
“ngoài lề” của các học giả cận đại cũng cho thấy phần nào xuất thân của các vị
tiên tri cũng như mối quan hệ của họ với triều đình.
Tựu trung, các tiên tri
Y-sơ-ra-ên, dù thuộc vị trí xã hội nào, được cho là các “ngôn sứ” hoặc “người
mang sứ điệp” (messenger) là những người nói lên những lời xuất phát từ thiên
thượng cho những người tìm cầu ý của Đức Chúa Trời. Vào các thế kỷ thứ 9 & 10 TC, những lời
tiên tri thường là hướng về triều đình, nói những lời trấn an khích lệ về sự
phồn vinh hoặc tình trạng bình an của đất nước hoặc những chiến thắng quân sự
(ngoại trừ một vài ngoại lệ như trường hợp tiên tri Ê-li nói tiên tri về những
việc khác không liên quan gì đến việc của hoàng gia). Sự kiện này cũng được xác nhận bởi những dữ
kiện thu thập được từ các nước Cận Đông thời đó, nghĩa là việc tiên tri có tính
tích cực và trấn an hướng về triều đình là chuẩn mực chung cho các nước trong
vùng Cận Đông kể cả Y-sơ-ra-ên, dù rằng thỉnh thoảng cũng có những trường hợp
ngoại lệ. Điều này cho thấy một mối quan
hệ chặt chẽ giữa triều đình phong kiến và sự nói tiên tri.[1]
Như vậy, môi trường và lãnh
vực hoạt động của các tiên tri vào thời kỳ này chính là hoàn cảnh chính trị của
đất nước. Nói chung, nhiệm vụ của những
tiên tri là rao báo những thông điệp của Đức Chúa Trời cho những nhà vua về kết
quả của những cuộc chiến tranh và về cả việc có nên đi ra chinh chiến hay không. Nhưng đôi khi trong những trường hợp đặc
biệt, có tiên tri còn đóng vai như là sứ giả đầy thẩm quyền của Đức Chúa Trời
để bổ nhiệm hoặc truất phế các vị vua—ví dụ như trường hợp của Sa-mu-ên hay
A-hi-gia. Tiên tri còn có nhiệm vụ nhắc
nhở những vị vua về việc thi hành sự chính trực và công bằng xã hội (như
Na-than đã nói tiên tri lên án tội lỗi của vua Đa-vít). Trong Y-sơ-ra-ên, những vấn đề chính trị như
vậy được đo lường bằng thước đo thần học, có nghĩa là những hành động chính trị
hoặc chính sách của các vua và triều đình của họ được đo lường trên căn bản là
lòng trung tín và sự nhờ cậy vào Đức Chúa Trời.
Kề từ thế kỷ thứ 8 TC, những
lời tiên tri bắt đầu chuyển hướng để trở thành những lời cảnh báo và phán xét
đối với hoặc toàn bộ hoặc một tầng lớp nào đó của xã hội. Từ A-mốt đến Ê-sai, từ Mi-chê đến Giê-rê-mi
và Ê-xê-chi-ên, những lời tiên tri nhắm về những đối tượng cụ thể như các
trưởng lão, thầy tế lễ, những tiên tri giả, phụ nữ, thành phần thượng lưu của
xã hội, chủ điền, v.v... Những chủ đề như sự chính trực và côngbằng xã hội tiếp
tục là những chủ đề chính của hoạt động tiên tri vào thời kỳ này, nhưng bây giờ
triều đình không còn là tác nhân duy nhất nữa mà những đối tượng kể trên bây
giờ đã trờ thành mục tiêu của những lời phán xét.
II. Vài Vấn Đề
Về Lịch Sử Giải Nghĩa Các Sách Tiên Tri
1. Những phương
hướng nghiên cứu trong thế kỷ 20
Một học giả có ảnh hưởng lớn
trong lãnh vực nghiên cứu các sách tiên tri nói riêng và văn chương tiên tri
trong toàn bộ Cựu Ước nói chung trong thế kỷ 20 là Hermann Gunkel. Nguyên tắc chính của phương pháp nghiên cứu
của Gunkel là ông tin rằng các tiên tri chủ yếu là những người “phát ngôn,”
không phải là những nhà văn hoặc những người ghi chép. Do đó, sự nghiên cứu những văn chương tiên
tri phải tập trung vào những thể văn nói điển hình được các tiên tri dùng trong
những bối cảnh cụ thể. Vì Gunkel tin
rằng những tiên tri là những người thốt ra những sứ điệp thiên thượng trong
tình trạng “xuất thần” (như thấy khải tượng hoặc nhận được mặc khải siêu nhiên)
mà trong đó họ không thể tự chủ bản thân mình được, ông khẳng định rằng họ
không thể nào viết ra được những lời tiên tri dài và lập luận vững chắc theo
cách của con người hôm nay (tức là như chúng ta thấy trong các sách tiên tri
Cựu Ước). Do đó, ông cho rằng hình thức
căn bản của những lời tiên tri nguyên thủy phải là những đoạn phát biểu ngắn,
được thốt ra theo một công thức tiêu biểu cho việc nói tiên tri, dễ nhớ và dễ
ghi lại. Những lời tiên tri được ghi lại
này sau đó được liên kết với nhau qua ngòi bút các trước giả để trở thành có
trình tự rõ ràng như một tác phẩm văn chương, là quyển sách tiên tri được
truyền đến cho chúng ta trong Thánh Kinh.
Nguyên tắc đề xướng bởi
Gunkel đã ảnh hưởng lớn đến việc nghiên cứu văn chương tiên tri của Cựu
Ước. Những đoạn tiên tri ngắn đã trở
thành đối tượng nghiên cứu chính của các nhà nghiên cứu trong đầu thế kỷ
20. Do đó, việc đầu tiên của các nhà
giải kinh thời kỳ này là tìm cách nhận dạng và tách khỏi toàn bộ sách những đoạn
tiên tri ngắn, trước khi tiến hành việc “phục chế” và giải nghĩa. Các nhà giải kinh cho rằng chỉ có như thế thì
mới có thể tìm ra ý nghĩa nguyên thủy của sứ điệp được truyền đạt bởi vị tiên
tri. Tuy nhiên, phương pháp này không
trả lời thỏa đáng được cho câu hỏi “sự sưu tập những lời tiên tri của cùng một
vị tiên tri vào trong cùng một sách nói lên được chủ đề thần học tổng quát
nào?”
Sau Đệ Nhị Thế Chiến, tình
hình chính trị thế giới đã ảnh hưởng lớn lao đến những quan điểm trong việc
nghiên cứu lịch sử và văn chương. Sự
thay đổi này cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc nghiên cứu Kinh Thánh. Cụ thể là các học giả nhận thấy để tránh một
cái nhìn lệch lạc, ngoài việc nghiên cứu từng phần, người nghiên cứu cần phải
nhìn một bức tranh tổng cộng của toàn thể một tác phẩm thay vì quá chú trọng
vào việc nhìn kỷ từng phần chi tiết.
Việc các trước giả sưu tập những lời tiên tri của họ và viết thành một
sách không phải là ngẫu nhiên hoặc tình cờ mà họ thực sự muốn trình bày một bức
tranh chung theo một chủ đề chính nào đó.
Phương pháp nghiên cứu thoe hướng mới này thừa nhận sự quan trọng của
từng sứ điệp tiên tri riêng lẻ trong các sách tiên tri, nhưng nó kêu gọi sự chú
ý đến việc trước hết phải nhìn toàn thể cả sách để thấy được ý định và chủ đề
chính của trước giả rồi sau đó sẽ giải thích những sứ điệp riêng lẻ theo chủ đề
chính đó. Việc nghiên cứu những sứ điệp
riêng lẽ trong luồng chủ đề chính tuy là một công việc khá khó khăn so với
trước đây nhưng nó đảm bảo cho sự trung thực với sứ điệp mà trước giả muốn
truyền đạt cho người đọc sau này.
2. Những vấn đề tương lai của việc nghiên cứu các sách
tiên tri
a. Sự cân bằng
giữa khía cạnh siêu hình và khía cạnh xã hội
Có thể nói một cách ví von
rằng các tiên tri là những người sống giữa hai thế giới: thế giới siêu hình
trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời và thế giới thực tại của nhân loại. Họ là chiếc cầu nối giữa hai thế giới để
chuyển tải sứ điệp của Đức Chúa Trời đến cho con người của một hoàn cảnh xã hội
cụ thể nào đó. Tuy nhiên, việc nghiên
cứu về văn chương tiên tri trong quá khứ thường rơi vào hai thái cực đối lập
nhau. Một số các học giả thường thiên
nhiều về khía cạnh siêu hình của những lời tiên tri, và kết quả là họ chỉ chú ý
đến những dự báo về tương lai mà ít chú trọng đến hiệu quả của lời tiên tri vào
thế giới thực tại mà chúng ta đang sống trong hiện tại. Một số học giả khác thì lại quá thiên về khía
cạnh xã hội cho nên không quan tâm đến khía cạnh siêu hình và những lời dự báo
về tương lai. Trong một vài trường hợp
cực đoan, lời tiên tri trong Kinh Thánh đã được “chọn lọc một cách thiên vị” để
ủng hộ cho một quan điểm chính trị hoặc xã hội nào đó. Sự thiên lệch này trong việc nghiên cứu văn
chương tiên tri nói lên nhu cầu cần phải
có một sự cân bằng giữa hai khía cạnh thần học siêu hình và khía cạnh xã hội
trong việc giải nghĩa văn chương tiên tri.
b. Việc nghiên
cứu về các “hình thức nói tiên tri”
Văn chương tiên tri là văn
chương mang nhiều tính cách hùng biện (rhetoric). Việc các tiên tri “nói như thế nào” (how) ảnh
hưởng khá lớn đến hiệu quả của việc các tiên tri “nói điều gì” (what). Chính vì lý do đó mà việc nghiên cứu hình
thức hùng biện của văn chương tiên tri cần phải được tiếp tục đào sâu hơn
nữa. Công việc này không phải là mới mẻ
mà đã từng là trọng tâm của việc nghiên cứu văn chương tiên tri vào thới gian
trước Đệ Nhị Thế Chiến như đã đề cập đến ở trên. Vì trong hậu bán thế kỷ 20, hướng nghiên cứu
đã chuyển sang việc nghiên cứu tổng thể một sách tiên tri thay vì từng lời tiên
tri, việc nghiên cứu hình thức hùng biện của lời tiên tri không còn được chú ý
nhiều. Tuy nhiên, công việc này cần phải
được phục hồi trong tương lai hầu giúp cho việc nghiên cứu văn chương tiên tri
nói chung có được một sự cân bằng cần thiết.
c. Nữ tiên tri
Một lãnh vực tuy không ảnh
hưởng gì nhiều đến nội dung của lời tiên tri nhưng cũng cần được nghiên cứu
thêm: sự hiện diện của các nữ tiên tri trong Kinh Thánh. Vai trò của phụ nữ trong xã hội thời Cựu Ước
rất thấp kém, do đó việc nghiên cứu văn chương tiên tri của các nữ tiên tri
cũng có thể rọi thêm ánh sáng vào ý nghĩa của những sứ điệp mà Đức Chúa Trời đã
gửi qua họ. Việc Đức Chúa Trời chọn
những tiếng nói của những người “thấp cổ bé miệng” trong xã hội để chuyển tải
sứ điệp của Ngài chắc chắn không phải là một điều ngẫu nhiên mà có dụng ý của
Ngài.
C. Bài Làm
I. Tiểu Luận:
Làm việc với Ô-sê 3: 1 -
5. Dùng hướng dẫn ở bài học số 5 để: (1)
Phân tích cấu trúc của đoạn kinh văn (dùng cách trình bày ngắn gọn như một
dàn bài); (2) Liệt kê và giải thích ngắn gọn những từ ngữ và điểm
văn phạm quan trọng; và (3) Từ kết quả của việc giải kinh (rút ngắn) như
trên, thử soạn một dàn bài cho một bài (sẽ) giảng.
II. Thảo Luận
Nội dung các sách tiên tri
cho thấy các tiên tri thời Cựu Ước là những người liên quan mật thiết đến đời
sống chính trị và xã hội của đất nước Y-sơ-ra-ên. Theo bạn thì Hội Thánh và tôi con Chúa ngày
nay có nên liên can đến công việc chính trị hoặc xã hội hay không?
[1] Có học giả còn đưa ra giả
thuyết rằng sự thăng trầm của việc nói tiên tri gắn liền với sự thăng trầm của
các triều đại vua chúa vào thời bấy giờ.
Tuy nhiên, giả thuyết này không lấy gì làm chắc chắn lắm.