Gia Dinh Gieo Giong

TƯ VẤN MỤC VỤ


CHƯƠNG 1

 TƯ VẤN MỤC VỤ
Ai được gọi đến làm chức vụ, hãy buộc mình vào chức vụ; ai dạy dỗ, hãy chăm mà dạy dỗ;  ai gánh việc khuyên bảo, hãy khuyên bảo... ai làm sự thương xót, hãy lấy lòng vui mà làm            (-ma 12: 7-8).
Tư vấn mục vụ là đặc ân Chúa dành cho người thuộc về Ngài và phục vụ Ngài.  Người làm công tác tư vấn là làm theo mạng lịnh và ý muốn của Đức Chúa Trời.  Ngài sai phái chúng ta đi ra giúp người khác với nhiệm mạng tư vấn và chăm sóc chiên Ngài.  Chúng ta cần học hỏi và thực hiện chức vụ tư vấn một cách nghiêm túc, hầu giúp con dân Chúa có được những kinh nghiệm thuộc linh, tăng trưởng tâm linh, vững vàng và trở nên môn đồ Ngài.  Nhiệm vụ của người hầu việc Chúa trong việc tư vấn không phải là cố gắng giúp người có nan đề đạt được điều họ muốn, nhưng giúp họ hiểu điều Chúa muốn trên đời sống và giúp họ cách tự giúp bản thân khi gặp phải nan đề. Tư vấn mục vụ là người dự phần vào công tác hầu việc Đức Chúa Trời và chăm nôm chiên Ngài.
Nhu cầu Hội Thánh khắp nơi đang cần những người làm công tác tư vấn vì, nhà nhà đều có nan đề và trong Hội Thánh Chúa thì đầy dẫy những nan đề.  Mỗi Cơ Đốc nhân có thể trở thành một người tư vấn và chăm sóc của Hội Thánh, tùy khả năng, tùy nan đề và cũng tùy hoàn cảnh.  Điều cần thiết đối với người tư vấn đó là được đào tạo, huấn luyện, tập tành cho đến khi già giặn kinh nghiệm trong vấn đề tư vấn cùng sự khao khát muốn dự phần.  Đức Chúa Trời sẽ phú sự thông sáng, khôn khéo cho những ai có lòng cảm động, xui mình đến gần đặng làm công việc (Xuất-ê-díp-tô-ký 36:2).

Chúng ta biết rằng, những người lính được đào tạo, huấn luyện và sẵn sàng trước khi ra trận, thế nhưng chiến trận thường có lắm người bị thương, bị tấn công thậm chí còn hi sinh. Không phải người được đào tạo, được huấn luyện tư vấn là có thể tư vấn hiệu quả, nhưng đây là chiến trường thuộc linh điều con người cần đó chính là Chúa.  Một khi con người đầu phục Chúa, kính sợ Chúa và đặt Chúa lên trên hết đời sống mình thì Thánh Linh và quyền năng Ngài có thể tái thiết con người trong mối quan hệ với Chúa và với nhau trong mọi nan đề của con người trong đời sống.  Đức Chúa Trời Đấng biết hết mọi sự.  Nguồn khôn sáng, bình an, hi vọng đến từ Chúa.  Tư vấn mục vụ là làm tôi tớ của Đức Chúa Trời để giúp người khác hiểu được ý Đức Chúa Trời muốn trên đời sống con người.


     ĐỊNH NGHĨA VÀ MỤC TIÊU CỦA TƯ VẤN MỤC VỤ

Tư vấn mục vụ là khải đạo, khuyên bảo và chỉ dẫn giúp người có nhu cầu nhìn ra con đường nào phải đi.  Trọng tâm của tư vấn Cơ Đốc là Chúa Cứu Thế Giê-xu. Tư vấn Cơ Đốc tin nơi năng quyền biến đổi của Chúa.  Sự tha thứ của Chúa, thẩm quyền của Kinh Thánh và niềm hi vọng về tương lai (Hê-bơ-rơ.1:1-4).

Người làm công tác tư vấn Cơ Đốc phải được đào tạo và học theo nếp sống làm gương, thanh sạch, tin kính của Chúa Giê-xu với lòng yêu thương và quan tâm thật sự đối với người khác mới có thể chỉ dẫn, khuyên bảo hay tư vấn cho đối tượng có nan đề với mục đích hướng dẫn đối tượng đó đến nếp sống đầu phục Chúa, nhận được sự tha thứ, hiểu biết và chấp nhận tuân theo những nguyên tắc sống của Chúa truyền dạy trong mọi hoàn cảnh.  Người tư vấn giúp người có nan đề kinh nghiệm được sự chữa lành, tăng trưởng tâm linh và phát triển nội tâm phù hợp với cá tính của Đấng Christ và được phục hồi mối quan hệ với Chúa, với người khác và chấp nhận theo Chúa trong mọi hoàn cảnh.  Trách nhiệm của chúng ta là nhắc nhở, khích lệ và cổ võ lẫn nhau rằng mục tiêu tư vấn Cơ Đốc là giúp đỡ người khác trở nên giống Chúa, không còn bị điều gì ràng buộc để họ tự do thờ phượng và phục vụ Chúa cách tốt đẹp (Công-vụ.: 20:28).

Mục tiêu của tư vấn phải theo ý tưởng Kinh Thánh là đẩy mạnh vấn đề trưởng thành của Cơ Đốc nhân, giúp con người nhận được kinh nghiệm phong phú hơn trong sự thờ phượng và có đời sống hiệu năng hơn trong sự phục vụ.  Chúng ta mong mỏi rằng, mỗi con cái Chúa được chữa lành và được phục hồi xây dựng thân thể Đấng Christ (Hội Thánh) lành mạnh và phát triển.
    
     Sau đây là một số định nghĩa về tư vấn mục vụ của những tư vấn chuyên nghiệp:

Theo Clinebell, tư vấn mục vụ là chức vụ đáp ứng cho nhu cầu của những người bên trong lẫn bên  ngoài Hội Thánh.  Công tác tư vấn vừa là một sứ mạng hướng ngoại cho những người đang cơn tranh chiến và phiền muộn.  Ngoài ra, đây còn là chức vụ chăm sóc cho những người không ở trong tình trạng khủng hoảng trở thành những người trưởng thành.

Theo Gary Collins, người tư vấn không chỉ khuyên bảo hay khích lệ người khác, nhưng phải dự phần tương quan với họ.  Công tác tư vấn vì thế cần được định nghĩa như là mối tương quan giữa hai người hoặc giữa nhiều người, trong đó người tư vấn tìm cách khuyên bảo, khích lệ, giúp đỡ người được tư vấn giải quyết một cách hữu hiệu những nan đề trong cuộc sống của người ấy.

Theo Charles F. Kraft, làm công tác tư vấn là dự phần trong công việc của Đức Chúa Trời để chữa lành, giải phóng, phục hồi con người và đẩy mạnh sự hòa nhập và tăng trưởng trong đời sống họ.  Đó là công tác dự phần vào việc khôi phục lại hình ảnh của Đức Chúa Trời trong con người vốn đã bị làm cho hư hỏng vì sự sa ngã.

Theo Paul Tillich, con người luôn có nhu cầu cần được quan tâm.  Tuy nhiên có một số hoàn cảnh và nan đề mà sự quan tâm chăm sóc bình thường không thể giải quyết hay mang lại sự hàn gắn, chữa lành được.  Cần phải có những phương pháp đặc biệt để mang lại sự thay đổi trong những con người mà nan đề của họ dường như quá sâu và quá triền miên.  Sự can thiệp đặc biệt này thường được mệnh danh là tâm lý trị liệu, hay trong bối cảnh của chức vụ, gọi là tư vấn mục vụ.

Theo Leona Tyler, chủ đích của công tác tư vấn là phải làm cho những sự lựa chọn và quyết định khôn ngoan có được cách dễ dàng, phải khuyến khích sự thích ứng và khỏe mạnh về tinh thần.  Những người không có nan đề nghiêm trọng có thể tìm đến với công tác tư vấn để có sự lựa chọn tốt hơn, được hiệu quả hơn trong công việc sinh sống.

Tư vấn cũng có thể nhằm mục đích giúp thay đổi cách cư xử, thái độ hay giá trị của người được tư vấn; ngăn chặn sự phát triển những vấn đề nghiêm trọng; hướng dẫn những kỹ năng giao tiếp; khích lệ sự biểu lộ tình cảm; hỗ trợ kịp thời các nhu cầu; thấu hiểu nội tâm; giúp đi  đến những quyết định; giáo dục tinh thần trách nhiệm; kích thích sự tăng trưởng thuộc linh; giúp vận dụng những nguồn lực sẵn có trong thời điểm khủng hoảng.

Công tác tư vấn cũng nhắm vào việc xây dựng cá tính, đưa đến sự trưởng thành trong cách suy nghĩ, hành động. Tư vấn giúp con người thích ứng cách hữu hiệu với những nan đề trong cuộc sống, với những tranh chấp nội tại, những thương tích trong tình cảm. Tư vấn cũng nhằm giúp đỡ cá nhân, hay những thành viên trong gia đình, hoặc vợ chồng giải quyết những mối căng thẳng, bất hòa, để xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp hơn.  Công tác tư vấn cũng nhắm vào những đối tượng mà lối sống dễ đưa đến thất bại và bất hạnh.

Người làm công tác tư vấn có Chúa sẽ tìm cách đưa mọi người bước vào mối tương quan với Chúa, để nhận lãnh được sự tha thứ và sự chữa lành những tàn phá nội tâm, do hậu quả của lỗi lầm trong quá khứ hay mặc cảm dày vò.

Tuyệt điểm của công tác tư vấn là bước dẫn đối tượng đến lối sống đầu phục nguyên tắc hướng dẫn của Chúa, trở thành môn đồ của Ngài, có khả năng hướng dẫn, nâng  đỡ người khác.
Tuyệt điểm của tư vấn mục vụ là kinh nghiệm được sự chữa lành của đối tượng và sự trưởng thành tâm linh.


     TẦM QUAN TRỌNG CHỦ YẾU CỦA TƯ VẤN MỤC VỤ

Người Chăn Chiên: làm người chăn chiên là dự phần vào những mối quan tâm của chiên mình.  Vì vậy, Mục sư phải dự phần vào những mối quan tâm và nhu cầu của hội chúng của mình. Vị Mục sư ở trong một công tác “hướng đến hội chúng.”  Một hội chúng dù lớn hay nhỏ vẫn luôn có nhiều người với nhiều nan đề khác nhau, và vì vị Mục sư làm công tác hướng đến hội chúng nên những người này luôn mong mỏi vị Mục sư nhận ra nhu cầu của họ và giúp đỡ họ.  Họ xem vị Mục sư là người chăn đáng tin cậy.  Từ “người chăn chiên” trong Thánh Kinh mang ý nghĩa là “người trông nôm” hay “người nuôi dưỡng” - Chăm Sóc Mục Vụ (Pastoral Care):   “Anh em hãy giữ lấy mình, và luôn cả bầy mà Đức Thánh Linh đã lập anh em làm kẻ coi sóc, để chăn Hội thánh của Đức Chúa Trời, mà Ngài đã mua bằng chính huyết mình” (Công-vụ 20:28).

Kinh Thánh không nói đến việc tư vấn mục vụ, nhưng nói đến việc “chăm sóc bầy chiên.”  Từ “người chăn bầy” được tìm thấy trong Thi-thiên 23, Ê-xê-chi-ên 34, Công-vụ 20:25-29, I Phi-e-rơ 5:1-4, Giăng 21:15-19.
Thi Thiên 23 dạy chúng ta cách thức chăn bầy của Đức Chúa Trời:
Câu 1: - Đức Chúa Trời là Đấng chu cấp cho mọi nhu cầu vật chất cho chúng ta.
Câu 2 - 3: - Đức Chúa Trời là Đấng chữa lành - Ngài giúp chúng ta được:
An nghỉ nơi đồng cỏ xanh tươi, mé nước bình tịnh - Bổ lại linh hồn.

Khi chúng ta bị bức xúc, căng thẳng (stress), Ngài ban cho sự bình an, sự yên tịnh trong tâm hồn (tiếp xúc vớ i thiên nhiên, màu xanh của đồng cỏ, màu xanh của lá cây.  Màu xanh của nước, bầu trời...).
Chữa lành trong tâm hồn khi chúng ta có nan đề, sự chữa lành nội tâm.

Câu 4: - Đức Chúa Trời là Bạn hữu của chúng ta.  Ngài luôn ở bên cạnh chúng ta:
Trong trũng bóng chết: bệnh tật, hoạn nạn, gian nan, nguy khốn... ( không nói là bao lâu, khi nào chấm dứt...).
Chúng ta sẽ không cô đơn một mình, và sẽ chẳng cần phải sợ hãi.

Đức Chúa Trời là Chủ nhà.  Ngài tiếp đãi, ân cần chúng ta trước mặt kẻ thù nghịch mình
“Kẻ thù” có thể là bất cứ ai chung quanh, trong gia đình, ngoài xã hội, là những người làm tổn thương chúng ta.

Đức Chúa Trời muốn chúng ta kinh nghiệm sự chu cấp, sự chữa lành từ nơi Chúa để chúng ta có thể là những người chăn bầy đem bầy chiên đến chỗ kinh nghiệm sự chu cấp và sự chữa lành của Ngài.  Chúa cũng muốn chúng ta là bạn hữu của dân sự Ngài giống như Ngài là Bạn hữu của chúng ta vậy.

     Công tác của người chăn bầy là:
Đi theo chiên: suốt ngày, quan sát, chăm sóc chiên như người bạn.
Đây là công tác khó khăn, tốn thì giờ, tốn năng lực.
Chăm sóc chiên: đem lại sự yên ủi, nâng đỡ, khích lệ cho chiên, giúp cho chiên tìm thấy sự bình an trong Chúa.

     Tại sao cần có công tác tư vấn mục vụ trong Hội Thánh?

Tư vấn được giới thiệu cho Hội Thánh khoảng 60 năm, đến từ ngành Tâm Lý Học vốn đã có khoảng 100 năm, trong khi đó Hội Thánh có mặt trên đất hơn 2000 năm.  Do đó, trước khi có công tác tư vấn trong Hội Thánh thì các nan đề của tín hữu được giải quyết ra sao?

Trong thời Cựu ước: Đức Chúa Trời đến thăm A-đam hằng ngày; Ngài gần gũi với Áp-ra-ham, với Môi-se, Giê-trô góp ý cho Môi-se, Đa-vít có các mưu sĩ bên cạnh mình....
Công tác chăm sóc đã được dạy dỗ trong Kinh Thánh từ lâu, và là một mạng lệnh của Chúa.  Hội Thánh đầu tiên đã có ban chăm sóc tín hữu.

Đức Thánh Linh là Đấng Yên Ủi các tín hữu trong Hội Thánh.
Nếu chúng ta chỉ cần Đức Thánh Linh hướng dẫn, có phương pháp chăm sóc rút ra từ Kinh Thánh thì đâu cần phải học về tư vấn mục vụ làm gì.  Thế nhưng thực tế thì:
Các Mục sư lại quá bận rộn việc rao giảng, dạy dỗ, và môn đệ hóa, không đủ thời gian để làm công tác chăm sóc và tư vấn mục vụ cho tín hữu trong Hội Thánh.
Trong khi đó, rất nhiều người thực sự đang có nan đề cần được giúp đỡ tích cực chung quanh chúng ta.

Ngoài ra, mục tiêu tối hậu của Hội Thánh là “càng làm cho tình yêu của Đức Chúa Trời và người lân cận tăng thêm lên giữa vòng con người.”  Cách chúng ta có thể làm tăng thêm tình yêu của Đức Chúa Trời giữa vòng con người là rao truyền Đại Mạng Lệnh của Đức Chúa Trời cho mọi người ở mọi nơi (Ma-thi-ơ 28:19).  Trong Lu-ca 4:18-21, Chúa Giê-xu tuyên bố Ngài đang làm trọn các chức vụ đã nói đến trong Ê-sai 61.  Đó là chức vụ dành cho con chiên lạc mất trong ý nghĩa chúng được thi hành trên một nền tảng người đối với người.  Bởi vì công tác tư vấn là một chức vụ giữa người với người, nên những người tư vấn đang giúp đỡ cho con chiên lạc mất.  Và vì các mục tiêu của công tác tư vấn rất giống với mục đích của Hội Thánh, nên chúng ta có thể nói rằng tư vấn mục vụ là một hình thức đặc biệt và không thể thiếu trong chức vụ của Hội Thánh.


     TÍNH CÁCH ĐẶC BIỆT CỦA MỤC SƯ TRONG VAI TRÒ TƯ VẤN

Trong lĩnh vực tư vấn, các Mục sư (hay những người hầu việc Chúa nói chung) dễ thành công trong việc đến gần đối tượng tín hữu và đạt kết quả trong việc hướng dẫn hơn so với những nhà tâm lý chuyên môn vì những yếu tố sau:

     Biểu tượng quyền năng của chức vụ:
Trong cái nhìn của tín hữu, Mục sư là biểu tượng của Thánh chức và quyền năng.  Họ chính là hiện thân của thực tại bao gồm đức tin nơi Chúa, nơi truyền thông của Hội Thánh, nơi cách nhận định về ý nghĩa của đời sống, nơi năng lực của đức tin, và nơi chính Chúa.  Sự hiện diện của Mục sư thường có một năng lực làm sống lại trong lòng đối tượng những tình cảm thiêng liêng hướng về Chúa, làm thức dậy những thế lực tiêu cực trong tiềm thức của người tín hữu cần phải đương đầu, đối phó và khắc phục, cũng như khơi dậy những thế lực tích cực có thể mang lại sự chữa lành và năng lực cho đối tượng trong những khủng hoảng của đời sống.

     Tính cách chủ động:
Trong cả hai ý nghĩa - mối quan hệ vốn có giữa Mục sư và đối tượng tín hữu, cũng như trong thời gian tư vấn.  Con cái Chúa thường mong mỏi sự hiện diện của Mục sư mỗi khi họ gặp khó khăn khủng hoảng, kể cả đối với gia đình các tín hữu thờ ơ đối với đức tin.  Mức độ đức tin, sự am tường, tính chân thật, sự giúp đỡ hữu hiệu, và mối quan tâm chân thật của tôi tớ Chúa khiến ông có đủ tư cách để chủ động trong việc tìm đến can thiệp trong những khủng hoảng của con cái Chúa, để đem lại những sự hướng dẫn thực sự gây dựng.

     Mối quan hệ giữa Mục sư với đối tượng tín hữu cần tư vấn:
Mục sư thường đã có ít nhiều quen biết với đối tượng trong khủng hoảng, vì thế ông dễ đến gần họ trong cơn khủng hoảng, và ông cũng có môi trường Hội Thánh để tiếp tục duy trì sự nâng đỡ sau này.  Tuy nhiên, người hầu việc Chúa cần cảnh giác trước hiện tượng “thần thánh hóa,” tức là sự mong mỏi rằng từ Mục sư sẽ có mọi năng lực và giải pháp để giải quyết mọi nan đề của mình à Người hầu việc Chúa cần phải hướng sự hi vọng của tín hữu đến với chính mình Chúa.

     Cộng đồng tín hữu cùng đức tin:
Cộng đồng tín hữu sẽ cùng tiếp tay nâng đỡ người trong cơn khủng hoảng.  Mục sư không nên đơn phương gánh vác công tác này mà cần chia sẻ với những người lãnhvấn thuộc linh khác trong Hội Thánh có tâm tình và khả năng, ân tứ trong lãnh vực tư vấn để cùng gánh vác với mình trọng trách này.


     TÍNH CÁCH ĐỘC ĐÁO CỦA TƯ VẤN MỤC VỤ

     Độc đáo trong quan điểm:
Khác với những nhà tư vấn phi Cơ Đốc, hầu hết các nhà tư vấn Cơ Đốc đều xây dựng quan điểm trên sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, các đặc tính của Ngài, bản chất của con người, thẩm quyền của Kinh Thánh, vấn đề về tội lỗi, sự tha thứ, và niềm hi vọng nơi tương lai. Niềm tin và quan điểm ấy ảnh hưởng sâu xa đến cách nhận định căn nguyên nan đề, cùng phương cách giải quyết.

     Độc đáo trong mục tiêu:
Cũng giống như các nhà tư vấn chuyên nghiệp khác, chức vụ tư vấn nhằm giúp đối tượng có nan đề thay đổi hành vi, thái độ, quan niệm về giá trị, cách nhận định về cuộc sống. Nhà tư vấn Cơ Đốc cũng giúp các đối tượng một số kỹ năng cần thiết như:
Kỹ năng giao tiếp, đối thoại, trình bày, diễn đạt cảm xúc, ước muốn, chọn lựa và quyết định.
Cung ứng sự nâng đỡ, khích lệ, động viên trong những lúc cần thiết.
Dạy tinh thần trách nhiệm, cung ứng sự sáng suốt hướng dẫn khi cần phải quyết định, giúp các đối tượng duy trì sự quân bình cần thiết cho nội tâm cũng như trong ngoại cảnh giữa cơn khủng hoảng.

Tư vấn mục vụ cũng nhằm chỉ dẫn đối tượng kỹ năng và phương pháp giải quyết nan đề, tăng cường khả năng thích ứng với hoàn cảnh.  Ngoài việc giúp đỡ các đối tượng tín hữu thay đổi những giá trị, nhận định, thái độ, nếp sống, hoặc dạy họ về ý thức trách nhiệm, kỹ năng giao tiếp, các tôi tớ Chúa cần giúp cho con cái Chúa tăng trưởng về mặt thuộc linh qua sự ăn năn, xưng tội, dâng đời sống mình để sống dựa trên nền tảng Thánh Kinh thay vì chỉ dựa trên những giá trị của con người.

     Độc đáo trong phương pháp:
v Tất cả kỹ năng tư vấn đều có ít nhất bốn đặc điểm:
Ø Khơi dậy đức tin
Ø Vạch ra những định kiến và nhân sinh quan sai lầm
Ø Hướng dẫn và phát huy kỹ năng giao tiếp, đối thoại
Ø Giúp đối tượng nhận thức được giá trị bản thân.

Để đạt được những mục tiêu này, nhà tư vấn kiên trì dùng những kỹ năng căn bản như: lắng nghe, bày tỏ quan tâm, cảm thông, đề nghị phương cách giải quyết vấn đề.  Ngoài ra, các nhà tư vấn cũng nên cầu nguyện với đối tượng trong mỗi cơ hội tiếp xúc, làm sáng tỏ các chân lý Thánh Kinh liên quan đến chính trường hợp của họ, khuyến khích họ tìm ý nghĩa cho đời sống và giá trị bản thân qua sự dự phần trong công tác phục vụ C húa tại Hội thánh địa phương.  Trên hết là sự nhờ cậy Đức Thánh Linh dẫn dắt họ phải biết làm gì để giúp đỡ cho đối tượng tín hữu cách hữu hiệu nhất.

     Độc đáo trong phẩm chất của người tư vấn:
Trong mỗi trường hợp, người tư vấn cần hỏi ít nhất 4 câu hỏi sau đây:
Ø Nan đề bạn đang đối diện là gì?
Ø Tôi có nên can thiệp và đề nghị biện pháp giúp đỡ chăng?
Ø Tôi có thể làm gì để giúp bạn?
Ø Có ai khác giải quyết được vấn đề này cách tốt đẹp hơn chăng?

Người tư vấn cần phải hiểu rõ vấn đề, quan điểm của Kinh Thánh về vấn đề đó và nắm vững kỹ năng tư vấn.  Ngoài ra, người tư vấn cần có những đặc tính ân cần, nhạy bén, thông cảm, lòng chân thật quan tâm đến đối tượng, và tâm tình khuyên bảo trong sự yêu thương.  Chúa Giê-xu là một gương mẫu tư vấn truyệt vời đáng cho chúng ta noi theo.  Có lúc Ngài khuyên bảo, nâng đỡ.  Có lúc Ngài nghiêm khắc sửa sai và thách thức.  Trong công tác tư vấn, Chúa hoàn toàn trung thực, lấy hết lòng yêu thương, nhạy bén với tình trạng của đối tượng, và thể hiện tinh thần của một con người trưởng thành sâu nhiệm trong lãnh vực thuộc linh.  Ngài chấp nhận tình trạng tội nhân của con người, xem họ như là những đối tượng cần giúp đỡ.  Đồng thời Ngài đòi hỏi sự ăn năn, xưng tội, và tâm tình vâng phục Đức Chúa Trời.

Thánh Kinh dạy rằng Cơ Đốc nhân phải dạy những kẻ tin mọi điều Chúa Giê-xu phán dạy.  Điều này bao gồm các giáo lý về Đức Chúa Trời, quyền tể trị của Ngài, sự cứu rỗi, sự tăng trưởng thuộc linh, sự cầu nguyện, Hội Thánh, tương lai, thiên sứ, ma qủi, bản chất con người....  Chúa cũng dạy về hôn nhân, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, sự vâng phục, sự tự do của người nam lẫn người nữ, mối quan hệ giữa các chủng tộc.  Ngài cũng dạy về cách đối diện với sự sợ hãi, lo lắng, cô đơn, nghi ngờ, kiêu ngạo, nản lòng....  Ngoài sự truyền đạt những điều trên, các nhà tư vấn cũng cần dạy đối tượng cách sống đẹp lòng Chúa, hòa đồng với mọi người, cũng như với chính bản thân mình.

Trọng tâm giúp đỡ của các nhà tư vấn Cơ Đốc, dù riêng tư hay giữa Hội Thánh, chính là nỗ lực truyền đạt ảnh hưởng của Thánh Linh.  Sự hiện diện và ảnh hưởng của Ngài làm cho sự tư vấn Cơ Đốc trở thành độc nhất vô nhị.  Khi có được các phẩm chất của Ngài, được biểu tượng qua trái Thánh Linh, các nhà tư vấn sẽ thực hiện công tác này cách vô cùng hữu hiệu.  Ngài là Đấng an ủi, giúp đỡ, dạy chúng ta “mọi điều,” nhắc chúng ta nhớ lại những điều Chúa Giê-xu đã truyền dạy, cáo trách tội lỗi, và dẫn chúng ta vào mọi lẽ thật.  Qua sự cầu nguyện, suy gẫm Lời Chúa, xưng tội thường xuyên, quyết tâm theo Chúa mỗi ngày, các nhà tư vấn sẽ trở nên những công cụ của Thánh Linh dùng để an ủi, nhắc nhở, hướng dẫn dân sự của Ngài.  Mục tiêu mỗi người cần đặt ra là giúp người khác kinh nghiệm quyền năng thay đổi của Thánh Linh, trưởng thành trong phương diện tâm linh và phục vụ Chúa.

Related link

Latest Features

Weather

April - 2025
SMTWTFS
  12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
27282930   
       

Facebook comments